Đổi mới sự phát triển lý luận - 35 năm nhìn lại và thách thức:

Bài 2: Đổi mới tư duy và mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Thứ Bảy, 01/10/2022, 05:35 - Chia sẻ

TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Hơn 77 năm cầm quyền, trong đó có hơn 35 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã tích luỹ được không ít bài học vô giá cả trên hai bình diện thành công và chưa thành công. Thành tựu lý luận nổi bật của hơn 35 năm đổi mới là chúng ta đã từng bước làm rõ toàn diện hơn, sâu sắc hơn và thấu triệt hơn những vấn đề cơ bản về tính quy luật của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong thời đại ngày nay.

Sự kết tinh tập trung, cụ thể, sinh động về lý luận cầm quyền của Đảng

Nhìn lại gần 20 năm, tại 4 kỳ Đại hội, Đảng ta hết sức chú trọng tổng kết những vấn đề cơ bản trên các phương diện lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức bao trùm toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội đất nước trong công cuộc đổi mới. Đặc biệt, "những bài học đổi mới do các Đại hội VI, VII, VIII của Đảng nêu lên đến nay vẫn còn có giá trị lớn" và Đại hội IX, XI, XII, XIII của Đảng đã rút ra những bài học chủ yếu nhất. Có thể nói, đó là sự kết tinh tập trung, cụ thể và sinh động về mặt lý luận cầm quyền của Đảng.  

Nhìn lại 35 năm, bước đầu có thể hình dung khái lược những thành tựu lý luận mới mẻ về vấn đề Đảng cầm quyền được thể hiện một cách tập trung trên 10 bình diện chủ yếu: Quy luật cầm quyền; Quan niệm cầm quyền; Cơ sở cầm quyền; Phương lược cầm quyền; Nội dung cầm quyền; Cơ chế cầm quyền; Phương thức cầm quyền; Nguồn lực cầm quyền; Môi trường cầm quyền; và Nguy cơ đối với cầm quyền.

Tất cả những vấn đề có tính quy luật đó tạo nên vị trí, năng lựcbản lĩnh cầm quyền của Đảng quyết định những thành công của 35 năm đổi mới. Qua đó, Đảng không ngừng trưởng thành toàn diện, tiếp tục đủ sức gánh vác những trọng trách mới của lịch sử dân tộc giao phó lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thành tựu hơn 35 năm đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, có thể nói mang ý nghĩa quan trọng. Một trong những nguồn gốc của những thành tựu ấy, Đảng ta xây dựng cho mình một lý thuyết đổi mới khoa học, cách mạng và phù hợp dẫn dắt đất nước vững tin tiếp tục cuộc hành trình tất yếu trên con đường XHCN.  

Nếu tự đặt mình vào những buổi đầu từ khi bắt tay vào công cuộc đổi mới “... Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã nỗ lực khắc phục khó khăn, kiên trì tìm tòi, khai phá con đường đổi mới chưa có một khuôn mẫu cho trước...” thì mới có thể thấy hết được ý nghĩa của vấn đề giải phóng và tự giải phóng vào thời điểm phức tạp, cam go có tính chất bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trước hết, lý thuyết đổi mới là sự kế thừa lịch sử dân tộc, đồng thời cũng chính là sự giải phóng tự giải phóng khỏi những “vết mòn” lịch sử qua các cuộc canh tân, cải cách đất nước trước đây, nhưng với một nhãn quan mới, ở một tầm cao mới, với chất lượng mới, phù hợp với thời đại mới.

Nếu chỉ xét lịch sử đất nước trong vòng 5 thế kỷ trở lại đây thì đã có hàng loạt lý thuyết bàn định về sự cải cách, canh tân, khát vọng đưa dân tộc tiến lên. Đó là những cuộc cải cách của Hồ Quý Ly (thế kỷ XV), của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch (thế kỷ XIX) và những dự án canh tân của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và các chí sĩ yêu nước (đầu thế kỷ XX)... Nhưng tất cả những lý thuyết, dự án về các cuộc cải cách, canh tân ấy đều thất bại vì chủ quan, khiếm khuyết do, hoặc duy chỉ hướng nội hoặc duy chỉ hướng ngoại hoặc bị cản trở bởi sự hẹp hòi của nhãn quan phong kiến chật hẹp và khuôn khổ trói buộc của xã hội thuộc địa, nửa phong kiến; tức là thiếu những điều kiện bảo đảm cần và đủ về tiền đề vật chất và tinh thần cho lý thuyết cải cách, canh tân thành công.

Vượt qua những khiếm khuyết đó, với trọng tâm là giữ vững tư duy độc lập và sáng tạo, kiên trì và vận dụng linh hoạt chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể nước ta, rút kinh nghiệm mấy thập niên qua, lý thuyết đổi mới đã được xác lập. Đó là sự kết tinh những nhu cầu nội tại từ bên trong đất nước (đổi mới là vấn đề sống còn) đón gặp với xu thế phát triển (trên cơ sở không ngừng điều chỉnh) của thế giới, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới là một cuộc giải phóng mình khỏi những tư duy cũ, những hành động vừa nóng vội, chủ quan, vừa bảo thủ, trì trệ; từng bước thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa giáo điều đã kiềm tỏa mấy chục năm qua; là trở lại nhận thức của chủ nghĩa xã hội một cách đúng đắn như nó cần phải có từ đó lựa chọn phương cách tiến hành phù hợp, hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Người châu Á - tuy bị người phương Tây coi là lạc hậu - vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại”(15).

Đổi mới tất yếu phải theo định hướng XHCN

Mặt khác, lý thuyết đổi mới chính là sự giải thoát khỏi những khuynh hướng giáo điều, bảo thủ, thực dụng và cơ hội đủ loại. Đảng ta khẳng định: đổi mới là vấn đề sống còn của đất nước, nhưng đồng thời thực tiễn lại cho thấy, nếu đổi mới chệch con đường XHCN thì vận mệnh của đất nước có khi không cứu vãn được. Vì vậy, đổi mới tất yếu phải theo định hướng XHCN. Tư duy độc lập và sáng tạo của chúng ta phải đặt trên nền móng của sự nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn cách mạng nước ta, trông ra thế giới và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhân loại. Điều cần chú ý là, bám sát được thực tiễn của đất nước và của thời đại trên cơ sở lập trường chính trị kiên định, không bảo thủ dừng lại và không dao động, ngả nghiêng trước thử thách mới. Rõ ràng, lý thuyết đổi mới hàm chứa những vấn đề đó trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp, góp phần nhận thức đúng đắn và sâu sắc về chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là cuộc giải phóng có ý nghĩa cách mạng về mặt ý thức xã hội thông qua cuộc đổi mới về tư duy và cuộc giải phóng về phương diện lực lượng vật chất xã hội, mà trước hết là lực lượng sản xuất. Diễn đạt một cách khái quát rằng: “Đổi mới là thử nghiệm tìm ra mô hình phát triển phù hợp với tính cách riêng của Việt Nam, tức là sự tìm ra cho mình con đường tất yếu”(16).

Càng kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, càng xuất phát từ chính mình và thời đại, càng độc lập và sáng tạo, chúng ta càng nhiều cơ hội và khả năng tìm thấy con đường và phương pháp giải quyết thành công những vấn đề khó khăn, phức tạp. Đó là linh hồnphương châm của cuộc giải phóng tư duy và hành động của chúng ta.   

Trước sự đổ vỡ một mảng lớn của hệ thống XHCN trên thế giới và trước cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước, việc nhận thức mục tiêu, con đường đưa đất nước tiến lên và việc xác định đúng mô hình, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một vấn đề rất quan trọng và cấp bách, là trung tâm của lý thuyết đổi mới. Chúng ta tiếp tục khẳng định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là sự lựa chọn duy nhất đúng của cách mạng nước ta. Vấn đề này đã được nêu trong Chánh cương vắn tắt ngay từ năm 1930. Lý thuyết đổi mới thêm một lần nữa phân tích rõ tính tất yếu của sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Việc Đảng ta và nhân dân ta kiên trì mục tiêu chủ nghĩa xã hội là nội dung rất cơ bản của công tác lý luận tư tưởng hiện nay, nhất là trong lúc không ít người cho rằng việc lựa chọn của ta là “nhầm”, là “vội”, thậm chí họ còn cổ xúy cho chủ nghĩa tư bản, lôi kéo một số người dao động trước sự tan rã của các quốc gia XHCN hòng phủ nhận tương lai của chủ nghĩa xã hội thế giới.

 Những quan niệm đúng đắn và phù hợp về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trên thực tế đã chứng tỏ sức sống của nó, tiếp tục đưa công cuộc đổi mới tiến lên. Đảng ta xác định mô hình xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng gồm 6 đặc trưng, rồi 8 đặc trưng và con đường để thực hiện chính là 7 phương hướng cơ bản, rồi xử lý 8 mối quan hệ lớn (2011) và 10 mối quan hệ chiến lược (2016)... Đặc biệt, ở đây cần phải nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc tuân theo những quy luật phổ biến của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta khéo áp dụng chúng, cân nhắc đặc điểm của dân tộc và đồng thời xác lập những hình thức, bước đi cụ thể, với 3 khâu đột phá chiến lược bảo đảm thúc đẩy phát triển xung quanh 4 trụ cột đổi mới căn bản, để tiếp tục tiến lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp. Đó là một trong những nét cơ bản nhất làm nên giá trị lịch sử của lý thuyết đổi mới. Đó chính là sự thể hiện phương pháp tư duy biện chứng mác-xít trong khi không được quên cái chung, phải nhận rõ đặc thù và đây chính là cơ sở của mọi sự sáng tạo của Đảng và nhân dân ta.

Thực tế qua hơn 35 năm đổi mới, bước đầu đã khẳng định sức mạnh hiện hữu và tiềm tàng của mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội, tính đúng đắn của con đường XHCN được lý thuyết đổi mới hoạch định. Dư luận quốc tế đánh giá: “Bất chấp những lời tuyên bố của chủ nghĩa đế quốc về “sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản” cách đây vài năm, ngày nay điều này càng rõ ràng là lý tưởng cộng sản vẫn rất sống động, vẫn có những nước như Việt Nam đang kiên trì đường hướng XHCN, có các lực lượng chính trị quan trọng trên tất cả các lục địa đang hướng tới việc xây dựng một xã hội mới không có người bóc lột người như là một mục đích thiết yếu của nền văn minh loài người”(17).

Với tất cả sự nỗ lực của Đảng và nhân dân ta, sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một đóng góp vào việc thúc đẩy chủ nghĩa xã hội khoa học phát triển độc lập ở Việt Nam, đã góp phần bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”(18).

Đó chính là nét đặc sắc, là nguồn sức mạnh của lý thuyết đổi mới của chúng ta.

____________

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, Hà Nội, t. 1, tr. 35

(16) Việt Nam trong thế kỷ XX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 1, tr. 203
(17) Lời chào mừng Đại hội VIII, Sđd, tr. 100

(18) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 1, tr. 465