Bạn sẵn sàng đánh đổi bao nhiêu thời gian sống để ăn món yêu thích?
Một nghiên cứu mới đây từ Đại học Michigan (Mỹ) đặt ra một vấn đề đầy thách thức cho thói quen ăn uống hiện đại: mỗi loại thực phẩm bạn ăn hàng ngày có thể cộng hoặc trừ vào thời gian sống của bạn – theo đúng nghĩa đen.

Mỗi món ăn là một phép tính thời gian
Dựa trên phân tích hơn 5.800 loại thực phẩm phổ biến trong chế độ ăn của người Mỹ, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một chỉ số đặc biệt: “phút sống khỏe mạnh” (healthy life minutes gained or lost). Đây là thời lượng tuổi thọ mà một cá nhân có thể “kiếm” thêm hoặc “mất” đi sau khi tiêu thụ một khẩu phần ăn cụ thể.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra, một lon nước ngọt có thể khiến bạn mất 12 phút tuổi thọ, trong khi mỗi chiếc xúc xích lấy đi đến 36 phút. Những món ăn được ưa chuộng khác như pizza, mì phô mai, thịt xông khói cũng khiến thời gian sống khỏe giảm đi đáng kể. Một chiếc burger “đánh cắp” 9 phút, còn cánh gà chiên dừng lại ở con số 3,3 phút.
Ngược lại, việc chuyển ít nhất 10% lượng calo hàng ngày từ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn sang các loại rau củ quả giúp bạn “cộng thêm” tuổi thọ. Các loại cá – đặc biệt là cá béo như cá hồi, cá mòi – có thể mang lại 10 phút sống khỏe mỗi lần ăn. Thậm chí, một món tưởng chừng bình dân như bánh mì bơ đậu phộng và mứt lại được đánh giá cao, với khả năng cộng thêm tới 32 phút nhờ đạm thực vật từ đậu phộng.

Khi ăn uống là lựa chọn sống còn – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng
Nghiên cứu cho thấy xu hướng rõ ràng: thực phẩm giàu chất béo động vật, muối, đường tinh luyện và chất bảo quản thường khiến tuổi thọ rút ngắn, trong khi thực phẩm có nguồn gốc thực vật giúp kéo dài thời gian sống khỏe mạnh. Đây là điều không mới trong các hướng dẫn dinh dưỡng, nhưng cách thể hiện bằng “phút sống” đã khiến thông điệp trở nên gần gũi, sinh động và dễ hình dung hơn.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng đánh giá, mô hình này có thể hữu ích trong việc giáo dục sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thay vì nói chung chung rằng “nước ngọt không tốt”, con số “12 phút giảm tuổi thọ” có thể tác động mạnh mẽ hơn trong việc thay đổi hành vi.

Lý trí hay cảm xúc?
Dù vậy, nghiên cứu này cũng làm dấy lên câu hỏi: chúng ta sẵn sàng đánh đổi bao nhiêu cho niềm vui ăn uống?
Với nhiều người, ẩm thực không chỉ là nguồn dinh dưỡng mà còn là trải nghiệm văn hóa, cảm xúc, thậm chí là ký ức. Một bát mì gói trong ký túc xá, miếng heo quay ngày Tết hay burger ăn vội giữa giờ làm đều mang những giá trị vượt xa bảng tính calo.
Tác giả của bài viết chia sẻ: “Tôi biết humburger không tốt, nhưng tôi vẫn sẽ thỉnh thoảng ăn. Cũng như tôi sẽ không từ bỏ món xúc xích cay hay spaghetti đầy thịt xông khói – bởi đó là những niềm vui trong cuộc sống”. Ông cho rằng, dù mất một chút thời gian về cuối đời, nhưng đổi lại là những khoảnh khắc đáng nhớ – thì cũng không hối tiếc.

Cân bằng là chìa khóa
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng ăn uống lành mạnh vẫn là nền tảng cho một cuộc sống chất lượng, đặc biệt khi tuổi cao, sức khỏe giảm sút. Việc thay thế một phần chế độ ăn bằng trái cây tươi, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và cá không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một bữa sáng với trái cây và sữa chua có thể “cộng” thêm 10 phút. Bữa trưa với salad ức gà nướng, sốt balsamic tự chế – thêm 15 phút nữa. Những thay đổi nhỏ, tích lũy dần, sẽ tạo nên khác biệt lớn.
Ngay cả với những món ăn không lành mạnh, việc điều chỉnh tần suất và khẩu phần – thay vì từ bỏ hoàn toàn – cũng là cách tiếp cận thực tế, giúp duy trì cân bằng giữa sức khỏe và niềm vui sống.
Lời khuyên từ chuyên gia
Nghiên cứu từ Đại học Michigan không nhằm gây hoang mang hay cấm đoán, mà là lời nhắc nhở hài hước nhưng nghiêm túc về mối liên hệ giữa ăn uống và tuổi thọ. Nếu biết mỗi miếng thịt xông khói “đắt” giá 6 phút cuộc đời, có thể bạn sẽ cân nhắc kỹ hơn trước khi gọi thêm khẩu phần thứ hai.
Cuối cùng, mỗi người có quyền tự quyết định cách mình sống – và cách mình ăn. Nhưng nếu hiểu rõ cái giá của từng lựa chọn, có lẽ chúng ta sẽ trân trọng hơn từng phút giây khỏe mạnh – bắt đầu từ chính bữa ăn hôm nay.