Bài cuối: Không để “gieo vừng ra ngô”

Thái Minh 24/01/2019 08:23

Dù rằng có được cú hích đáng kể, tạo đà cho công cuộc đào tạo, bồi dưỡng tài năng, nhưng trong số nhạc công, diễn viên được đào tạo ra, khó nói bao nhiêu người giữ vững đam mê, theo nghề đến cùng.

>> Bài 1: Cứu nguy cho tuồng

>> Bài 2: Vui ở chặng đầu

Chưa thể biên chế vào nhà hát

Để tuyển được số học viên đào tạo trong mấy năm vừa rồi, các nhà hát phải “trống giong cờ mở” về tận huyện, xã, làng quảng cáo, chiêu sinh. Có những trường hợp rất có tiềm năng nhưng bố mẹ không đồng ý cho đi học, vì lo theo con đường nghệ thuật khó nhọc, trên hết là sợ sau này ra trường không có chỗ làm. “Học xong, về đâu?” - câu hỏi không dễ trả lời, cũng liên quan đến bài toán đau đầu tại các nhà hát lâu nay.

Nhiều nghệ sĩ đang chật vật giữ nghề trong bối cảnh nghệ thuật sân khấu truyền thống gặp nhiều khó khăn Ảnh: Thái Minh
Nhiều nghệ sĩ đang chật vật giữ nghề trong bối cảnh nghệ thuật sân khấu truyền thống gặp nhiều khó khăn 
Ảnh: Thái Minh

Theo mô hình đào tạo liên kết nhà trường - nhà hát, học viên được đào tạo có địa chỉ, có ưu tiên, sau khi tốt nghiệp được các đơn vị nghệ thuật có trách nhiệm nhận về. Tại đây, các em được tiếp tục học liên thông theo cách thức vừa học vừa làm, nâng dần bằng cấp đồng nghĩa được tăng hệ số lương mà vẫn bảo đảm nhân sự cho nhà hát. Lý tưởng là vậy, còn trên thực tế các nhà hát có cái khó của mình. Mong muốn trẻ hóa đội ngũ là có thật song nhiều đơn vị “than” chưa thể nhận người.

Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Hoàng Quỳnh Mai thẳng thắn cho biết, những năm qua không phải lúc nào Nhà hát cũng được tuyển người. “Tuyển về phải tạo cho họ đất diễn, có chế độ, nhưng nan giải ở chỗ Nhà hát nguồn thu không có, biểu diễn chỉ đủ chi tiêu chứ không dư dả trả lương hợp đồng. Tuyển vào biên chế lại càng khó, nhất là trong thời điểm chuẩn bị tiến hành sáp nhập, co gọn các đơn vị”. NSND Hoàng Quỳnh Mai đặt lời giải cho bài toán đội ngũ kế cận của sân khấu truyền thống không chỉ ở vấn đề đào tạo mà còn là khâu tiếp nhận. Hợp tác đào tạo xong mà không có cơ chế đầu ra thì chẳng khác nào “mang con bỏ chợ”.

Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSƯT Thanh Ngoan đồng tình: “Đào tạo các em ra rơi vào đúng lúc tinh giản biên chế, lớp nghệ sĩ có tuổi chưa tới lúc nghỉ hưu, thành ra khó lòng thu nhận. Đào tạo kỹ lưỡng rồi để các em chông chênh là điều đáng tiếc”. Được biết, tính từ thời điểm tốt nghiệp tháng 6.2017, các học viên khóa đào liên kết giữa Nhà hát Chèo Việt Nam và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã trải qua 6 tháng thử việc, đang làm việc tại Nhà hát theo chế độ hợp đồng ngắn hạn!

Lực đẩy song hành

 Khi chưa có đề án đặt hàng, đào tạo cho các nhà hát, Nhà nước đã thực hiện chính sách miễn giảm 70% học phí cho các diễn viên, thí sinh học nghệ thuật truyền thống nhưng thực tế vẫn rất khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, sau Đề án liên kết đào tạo nhân lực cần phải có tổng kết, đánh giá không chỉ chất lượng học viên mà còn xem số tồn tại trong nghề được bao nhiêu. Từ kết quả đó để có định hướng mang tính căn cơ, lâu dài.

Không ỷ lại hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hát cũng nỗ lực để có nhiều buổi diễn, từ đó cải thiện thu nhập cho diễn viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh nghệ thuật sân khấu truyền thống gặp nhiều khó khăn, hầu hết nghệ sĩ đều chật vật, nhiều người phải bươn trải nghề khác để kiếm sống. NSND Ánh Dương, Nhà hát Tuồng Việt Nam trăn trở, để gìn giữ di sản một cách lâu dài, những thế hệ đi trước luôn tìm cách thổi hồn vào từng vai diễn, nói những lời hay, ý đẹp về nghề để lớp trẻ noi gương, yên tâm vào tương lai của ngành sân khấu, gắn bó với nghề. Thế nhưng cuộc sống mới buộc các em phải tìm cách tự bảo đảm, thường nói “chân ngoài dài hơn chân trong” là bởi vậy.

Sau khoảng 5 năm thực hiện Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch cho các đơn vị nghệ thuật, trong số học viên ra trường về Nhà hát Chèo Việt Nam chỉ 50 - 60% trụ với nghề. Dù say mê ban đầu nhưng dần dần, họ chuyển sang các công việc khác có thu nhập cao hơn. “Bao nhiêu công đào tạo, trường cũng mất công, nhà hát, các nghệ sĩ cũng dày công mà đào tạo xong là có nơi khác nhấc các em đi. Chúng tôi vẫn nói vui là thế nhưng cũng là thực tế đang đặt ra”, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, PGS. TS. NGND Nguyễn Đình Thi nói.

Cho nên, lo ngại về đội ngũ kế cận còn là tạo động lực giữ chân nghệ sĩ trẻ, để họ không từ bỏ đam mê, nhiệt tâm cống hiến cho sân khấu cổ truyền. Hiểu cái khó của ngành sân khấu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn động viên các đơn vị khó khăn đến đâu giải trình đến đấy để cùng tháo gỡ. Nhiều ý kiến cho rằng, tháo gỡ cách nào cũng phải xoay quanh hướng ưu tiên, hỗ trợ để giữ ngọn lửa nghề của nghệ sĩ. Bởi gây tạo nhân lực gian nan một phần, thì chăm sóc, giữ chân họ gian nan gấp bội. Ngoài khuyến khích đam mê còn phải bảo đảm đời sống ổn định bằng cơ chế, chính sách hợp lý. Nghĩa là song hành với liên kết đào tạo cần có lực đẩy đằng sau. Sau Đề án phải tính đến câu chuyện dài hơi hơn là đầu tư cho nghệ thuật sân khấu truyền thống một cách xứng tầm.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài cuối: Không để “gieo vừng ra ngô”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO