Góp phần hoàn thành 79 xã nông thôn mới
Trên hành trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Krông Jing chỉ là một kết quả điển hình của sự thống nhất trong nhận thức và hành động; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW đi vào cuộc sống tại Đắk Lắk.
Ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW ban hành, các cấp ủy, tổ chức đảng xác định, tín dụng chính sách là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn đạt 7.779 tỷ đồng, tăng 4.771 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt hơn 502 tỷ đồng, tăng 383 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 6,5% tổng nguồn vốn, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15,7%.
Hiện, NHCSXH Đắk Lắk đang thực hiện 21 chương trình tín dụng ở 100% thôn, buôn, tổ dân phố; giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động; tạo điều kiện cho gần 8 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 230 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn...
Nguồn vốn trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thống kê cho thấy, tổng doanh số cho vay từ năm 2015 đến nay đạt hơn 14.943 tỷ đồng, với trên 485 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt gần 10.183 tỷ đồng.
Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 184/184 xã, phường, thị trấn; 100% thôn, tổ dân phố, giúp gần 111 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động; tạo điều kiện cho gần 8 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 230 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 7 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 66 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo…
Đặc biệt, nguồn vốn đã góp phần hoàn thành nông thôn mới cho 79 xã; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,83% năm 2016 xuống còn 6,34% cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020) và xuống còn 9,15% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025).
Tiếp tục coi tín dụng chính sách là trụ cột
Nghị quyết Đại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra mục tiêu xây dựng địa phương trở thành tỉnh "thuộc nhóm phát triển khá của cả nước". Đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk "cơ bản trở thành trung tâm vùng, là tỉnh phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững khu vực Tây Nguyên, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa"; đến năm 2045, phát triển tỉnh thành một "trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực; bảo đảm đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân đạt mức khá của cả nước".
Để cùng với Đắk Lắk hoàn thành các mục tiêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung yêu cầu, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư. Hàng năm và trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm, các sở, ban, ngành có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch dự toán ngân sách, cân đối nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định ủy thác sang NHCSXH, để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội liên quan chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ trọng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh đạt 15% trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đào Thái Hòa cho biết, tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động trong Chi nhánh luôn xác định nhiệm vụ, sứ mệnh vì người nghèo và không để ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, Chi nhánh thường xuyên phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, xây dựng và ban hành các đề án, cơ chế chính sách mới, báo cáo tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh bố trí nguồn lực phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược phát triển NHCSXH trên địa bàn đến năm 2030. Ưu tiên tập trung vốn cho vay vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng đủ vốn để hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững.
Đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 7.980 tỷ đồng (tăng hơn 624 tỷ đồng so với cuối năm 2023), tỷ lệ tăng trưởng đạt gần 8,5%, với 168.321 khách hàng còn dư nợ. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh hơn 8 tỷ đồng (giảm gần 1,3 tỷ đồng so với cuối năm 2023).