Lưu ýcác hành vi bị nghiêm cấm
Theo đó, về điều chỉnh chủ trương đầu tư, thẩm quyền được quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư công: Cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư được thực hiện như trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án. Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP.
Quá trình thực hiện cần lưu ý về các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư (quy định tại Điều 11 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP). Cụ thể như sau: 1.Trường hợp chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa quyết định đầu tư, nếu có thay đổi nội dung của quyết định chủ trương đầu tư, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện theo Điều 34 của Luật Đầu tư công. Trường hợp này, do thay đổi các nội dung của chủ trương đầu tư khi dự án, chương trình chưa được quyết định đầu tư thì thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư (Việc điều chỉnh này xảy ra trước khi thực hiện dự án).
2. Trường hợp chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, đang trong quá trình thực hiện, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 43 của Luật Đầu tư công. Tại trường hợp này, dự án chương trình đang trong quá trình thực hiện (đã có quyết định đầu tư, dự án đã có quy mô đầu tư cụ thể) nhưng vì một số lý do khác nhau dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án lớn hơn tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dự án phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư cần lưu ý thêm các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công liên quan đến việc thực hiện. Đó là quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. (Nội dung quyết định đầu tư không đúng chủ trương đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt thì nên trình thực hiện điều chỉnh).
Cân nhắc kỹ lưỡng
Đối với HĐND các cấp, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách địa phương trong các trường hợp: (1) Do điều chỉnh mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; (2) Do thay đổi đột biến về cân đối thu ngân sách địa phương hoặc khả năng huy động các nguồn vốn của địa phương; (3) Do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hàng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương. Đối với UBND các cấp, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách địa phương để đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình và trong nội bộ các ngành, lĩnh vực, chương trình của các đơn vị sử dụng các nguồn vốn này và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo Điều 46 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đầu tư công. Trong đó lưu ý, thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm giữa các dự án trong nội bộ của Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trước ngày 15.11 năm kế hoạch.
Theo ý kiến cá nhân, mặc dù Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn có quy định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào các quy định. Đơn cử như Thủ tục dừng chủ trương đầu tư, Điều 43 Luật Đầu tư công có ghi: a) Khi điều chỉnh hoặc dừng chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền; tuy nhiên, hiện nay trong các quy định chưa nêu trình tự, thủ tục thực hiện việc này.
Đồng thời, khi thực hiện việc điều chỉnh, cần cân nhắc đến tính ổn định của kế hoạch đầu tư công trong một khoảng thời gian đã xác định (5 năm, hàng năm). Có nghĩa là, khi xây dựng kế hoạch đầu tư công ngoài đáp ứng các quy định, cần dự báo, lường trước các yếu tố khác phát sinh, việc điều chỉnh phải cân nhắc kỹ lưỡng, xét nhiều yếu tố liên quan trước khi quyết định, tránh điều chỉnh tùy tiện, nhất là điều chỉnh dừng thực hiện chủ trương đầu tư chương trình, dự án khi đã được cấp có thẩm quyền quyết định và đã thông báo rộng rãi cho cử tri trên địa bàn.