Vĩnh Long triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông
Trong những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra rất phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô; nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng con người và trực tiếp làm thiệt hại tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhà nước và người dân. Tại Vĩnh Long, địa phương đang triển khai đồng bộ, căn cơ nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm tăng cường công tác dự báo, ứng phó và khắc phục hậu quả do sạt lở bờ sông gây ra
Bài 1: Những con số đáng lo ngại từ kết quả khảo sát của cơ quan dân cử
---------
Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Vĩnh Long đã tiến hành khảo sát thực tế 6 đoạn tuyến sông Cái Cam thuộc địa bàn ấp Tân An, ấp Tân Thới (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ); tuyến sông Mỹ Thuận thuộc địa bàn ấp Thuận Phú A, ấp Thuận Thành (xã Thuận An, thị xã Bình Minh); làm việc với UBND 8 huyện và Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về công tác phòng, chống sạt lở bờ sông của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Diễn biến phức tạp, khó lường
Trước thời điểm cuộc khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh được tổ chức, những ngày đầu tháng 6, dù mới bắt đầu mùa mưa, song trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rất nhiều vụ sạt lở bờ sông, gây thiệt hại đất đai và tài sản người dân. Theo đó, chỉ trong vài ngày, dọc bờ sông Măng (thuộc địa bàn huyện Mang Thít và Vũng Liêm), sông Cái Cao (thuộc huyện Long Hồ) đã liên tiếp xảy ra những vụ sạt lở khiến hàng trăm hộ dân bị mất nhà cửa, đất sản xuất. Lo ngại sạt lở tiếp tục diễn ra, thời điểm ấy nhiều gia đình đã phải khẩn trương tháo dỡ nhà cửa, di dời tài sản đến nơi an toàn.
Theo thống kê của UBND huyện Long Hồ, trong giai đoạn 2021 - 2024 trên địa bàn huyện xảy 50 vụ sạt lở, chiều dài sạt lở 3.707m. Trong đó, sạt lở xảy ra thường xuyên trên các sông Cổ Chiên, Cái Cao, Cái Cam, Long Hồ, Ông Me, Bô Kê, Mương Lộ thuộc địa bàn các xã Phú Đức, Tân Hạnh, Phú Quới, Long Phước, Phước Hậu, Lộc Hòa, An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú.
Theo Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Phan Thị Mỹ Hạnh, tình hình sạt lở bờ sông không chỉ diễn ra nghiêm trọng từ đầu năm đến nay, mà thực trạng này đã trở thành mối lo của các cấp chính quyền địa phương trong nhiều năm trở lại đây. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng nhiều tài sản của người dân, các công trình hạ tầng giao thông nông thôn, đất bờ bao đã bị cuốn xuống lòng sông; ước giá trị trên 37,4 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại tài sản của các hộ dân khoảng 35,7 tỷ đồng, thiệt hại công trình: 1,7 tỷ đồng; số hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp buộc phải di dời 16 hộ, ảnh hưởng gián tiếp 200 hộ.
Tại thị xã Bình Minh, ông Nguyễn Thanh Cần, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Vĩnh Long (trước đó, là Chủ tịch UBND thị xã Bình Minh từ 2021 - 30.4.2024) cho biết: Giai đoạn 2021 - 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn đã xảy ra 24 đoạn sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài 555m, ước thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng. Trong đó, có 15/24 đoạn sạt lở đã được khắc phục, 9/24 đoạn chưa được khắc phục (4/9 đoạn sạt lở bờ sông thuộc dự án, công trình đang triển khai khắc phục, 5/9 đoạn sạt lở nằm ngoài dự án, công trình chưa có phương án khắc phục với tổng chiều dài 125m).
“Mặc dù vậy, nhờ làm tốt công tác dự báo tình hình, việc xử lý các điểm sạt lở đã vận dụng tốt phương châm “4 tại chỗ” nên đến nay thị xã Bình Minh đã khắc phục tạm thời, không xảy ra thiệt hại về người, hạn chế thiệt hại thấp nhất tài sản của người dân”.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Cần
Nỗi lo từ các điểm sạt lở có quy mô lớn
Theo kết quả khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Vĩnh Long, bình quân mỗi năm, trên địa bàn xảy ra 120 - 130 điểm sạt lở. Tính chung trong thời gian thực hiện khảo sát chuyên đề về vấn đề này (từ tháng 1.2021 đến tháng 8.2024), toàn tỉnh đã xảy ra 431 điểm/vị trí sạt lở, làm mất hơn 14.918m bờ sông cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao… Sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến 112 hộ dân; trong đó, 42 hộ phải di chuyển chỗ ở do nhà cửa sụp lún xuống lòng sông. Tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 65 tỷ đồng.
Nhìn chung, các vụ sạt lở không gia tăng bất thường về số lượng. Tuy nhiên, nỗi lo lớn hơn là thời gian gần đây, đã xảy ra các điểm sạt lở có quy mô lớn. Điển hình, như: vụ sạt lở xảy ra vào ngày 5.12.2022 trên tuyến sông Cổ Chiên (thuộc tổ 9, tổ 10 ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) có chiều dài khoảng 350m, rộng khoảng 200m; ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống 16 hộ dân với 58 nhân khẩu, “nuốt chửng” 13 căn nhà (12 căn nhà xây cấp 4 và 1 căn nhà gỗ), 1 nhà kho, 1 xe cuốc, 2 ao nuôi cá và khoảng 10 ha đất. Ước tính thiệt hại vào khoảng 35 tỷ đồng.
Vụ sạt lở nữa cũng xảy ra tại huyện Long Hồ vào tháng 6.2023 thuộc tuyến sông Cái Cao (ấp Phú An, xã Phú Đức), chiều dài sạt lở 300m, ăn sâu vào bờ 4-5m, sạt lở làm hư hỏng nhà cửa, hàng rào, 2 hộ có nhà cặp sông phải di dời khẩn cấp; ước thiệt hại 477 triệu đồng).
Hay vụ sạt lở trên tuyến sông Trà Ôn (thuộc ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) xảy ra ngày 12.6.2023 với chiều dài 40m đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến 9 căn nhà của 9 hộ dân gồm 21 nhân khẩu; ước tính thiệt hại vào khoảng 2,2 tỷ đồng.
Trong thời gian từ 1.2021 - 8.2024, UBND tỉnh cũng đã công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp đối với 23 khu vực bờ sông, kênh, rạch, đê bao bị sạt lở với chiều dài gần hơn 12.000m trong tổng số 431 khu vực đã xảy ra sạt lở, dài gần 15.000m. Đơn cử như, năm 2021, có 6 khu vực (dài 4.650m); năm 2022, có 7 khu vực (dài 2.065m); năm 2023 có 8 khu vực (dài 4.140m) và 8 tháng đầu năm 2024 có 2 khu vực (dài 485m)…
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, mặc dù tỉnh đã chủ động nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai các giải pháp ứng phó sạt lở. Cụ thể, hiện nay việc phòng, chống sạt lở cần đầu tư những công trình lớn và xây dựng khu tái định cư nhưng nguồn kinh phí của tỉnh để hỗ trợ cho các địa phương chưa đáp ứng, quỹ đất cho việc thực hiện tái định cư còn hạn chế. Công tác dự báo về sạt lở còn nhiều khó khăn, chỉ thực hiện ở mức cảnh báo nên việc ứng phó chưa được kịp thời. Ngoài ra, các địa phương cũng gặp khó khăn trong di dời người dân sống vùng sạt lở và nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới, nguyên nhân do hộ dân không có đất, việc vào cụm tuyến dân cư làm thay đổi thói quen và công việc hàng ngày…
Thời điểm này, tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung bước vào mùa mưa, bão, nguy cơ sạt lở cao. Trong các tháng còn lại của năm 2024, tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, thường xuyên kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, xung yếu, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có 8 khu vực bị sạt lở nặng và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao trên các tuyến sông, kênh lớn mà các địa phương và người dân cần chú ý. Cụ thể gồm: Khu vực bờ tả sông Cổ Chiên (đoạn từ đầu cù lao Minh thuộc ấp An Long, xã An Bình đến phà Đình Khao thuộc xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) và khu vực cồn Thanh Long thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm; trên sông Hậu có khu vực thượng và hạ lưu vàm kênh Hai Quý, khu vực quanh cồn Sừng (thị xã Bình Minh), khu vực chợ xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn); các tuyến kênh Xáng (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn); sông Cái Cao (xã Phú Đức, huyện Long Hồ); sông Măng Thít (đoạn từ phà Chánh An đến cầu Măng Thít thuộc huyện Vũng Liêm, Mang Thít) cũng có nguy cơ bị sạt lở mạnh.
Mạnh Tuân - Hữu Tài - Anh Lương
Trình bày: Bảo Linh