Thu hút hiệu quả vốn FDI vào nông nghiệp

- Thứ Sáu, 30/09/2022, 06:29 - Chia sẻ

Đồng Nai là địa phương đứng thứ 4 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Nguồn vốn này góp phần giúp nền nông nghiệp của tỉnh phát triển hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm.

Đầu tư vào nông nghiệp trở thành xu hướng

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Đồng Nai hiện xếp thứ 4 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI với 1.800 dự án, có tổng vốn khoảng 33 tỷ USD. Hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào tỉnh, dẫn đầu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, “có được thành tựu trên là do tỉnh có ưu thế cả về điều kiện tự nhiên lẫn kinh tế - xã hội, các khu công nghiệp có hạ tầng hoàn thiện. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp cũng là nhân tố quan trọng hấp dẫn các doanh nghiệp FDI. Dòng vốn FDI vào tỉnh có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế”.

Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, những năm gần đây, khối doanh nghiệp FDI đã tiên phong trong việc rót những khoản vốn khổng lồ. Tính đến nay, nguồn vốn mà các doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh đã lên đến hơn 1 tỷ USD. Trong đó, chủ yếu đầu tư vào sản xuất hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, mở trang trại chăn nuôi. Nguồn vốn này góp phần giúp nền nông nghiệp của tỉnh phát triển hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm.

Thống kê sơ bộ cho thấy, tỉnh hiện thu hút hơn 30 doanh nghiệp FDI rót vốn vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, chăn nuôi lợn, gà, thủy sản. Có thể kể đến một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với số vốn lớn như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Cargill Việt Nam, Công ty Sunjin Vina, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam…

Năm 1993, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP. Biên Hòa) được thành lập tại Đồng Nai và đây là nơi công ty xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên ở Việt Nam. Đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, doanh nghiệp bắt đầu với lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sau mở rộng ra sản xuất con giống, chăn nuôi, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Đầu tư của C.P. góp phần giúp cho ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển.

Sau sự đầu tư thành công ở Đồng Nai, từ năm 2011, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã xây dựng thêm hàng loạt nhà máy ở các tỉnh, thành khác và sản xuất cả hạt giống. Từ đó, hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại đến bàn ăn và trở thành một doanh nghiệp FDI hàng đầu của nước ta trên lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Trong chăn nuôi, C.P. không dừng lại lợn, gà, vịt mà còn lấn sân sang cả thủy sản. Chỉ tính riêng nguồn vốn của C.P. đầu tư vào Đồng Nai, đã lên đến gần 300 triệu USD.

Các doanh nghiệp FDI chủ yếu đầu tư vào sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, mở trang trại chăn nuôi. Nguồn: ITN
Các doanh nghiệp FDI chủ yếu đầu tư vào sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, mở trang trại chăn nuôi
Nguồn: ITN

Nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm

Là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực chế biến gia cầm tại Việt Nam, cũng là doanh nghiệp đầu tiên ở nước ta xuất khẩu được thịt gà vào Nhật Bản, theo ông Yamasaki Fumiaki, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Koyu & Unitek  (Khu công nghiệp Loteco, TP. Biên Hòa), doanh nghiệp liên kết với các trang trại nuôi gà tại Đồng Nai và bao tiêu đầu ra để chế biến thịt gà xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Để có nguồn sản phẩm sạch, doanh nghiệp tiến hành hỗ trợ nông dân kỹ thuật, quy trình nuôi an toàn. Hiện sản lượng gà xuất khẩu của doanh nghiệp này lên tới trên 300 tấn/tháng.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh nhận định, các doanh nghiệp FDI rót vốn vào lĩnh vực chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm chăn nuôi, giúp tỉnh trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi lợn, gà, vịt theo hướng tập trung.

Thực tế hiện nay cho thấy, cùng với việc đầu tư nhà máy sản xuất giống, các doanh nghiệp FDI liên kết với những địa phương trong tỉnh, đưa nhiều loại giống mới, kỹ thuật trồng, chăm sóc hiện đại đến với các hợp tác xã, nông dân. Từ đó, giúp cho nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập. Từ nhiều năm nay, trên 80% hạt giống ngô để sản xuất tại Đồng Nai đều do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiến hành đầu tư vào sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây ngô và mở rộng ra các loại cây trồng khác. Khảo sát một số đại lý lớn chuyên bán sỉ, lẻ hạt giống trên địa bàn tỉnh cho thấy, riêng giống lúa có hơn 80% thuộc doanh nghiệp trong nước sản xuất, còn các hạt giống cho những cây trồng hằng năm khác đến gần 90% do doanh nghiệp ngoại sản xuất tại Việt Nam.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Tiến Sỹ cho biết,  “trên lĩnh vực sản xuất hạt giống ngô và thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp ngoại đang chiếm ưu thế. Gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI đến tìm diện tích đất có quy mô lớn để trực tiếp trồng rau củ quả”.

Tâm Anh