Tạo động lực phát triển mới

- Thứ Sáu, 30/09/2022, 06:31 - Chia sẻ

Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả, thiết thực Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai rộng rãi. Cụ thể, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ tập trung đất đai, tín dụng đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn…, từ đó tạo ra động lực phát triển mới.

Cải cách thủ tục hành chính trong nông nghiệp

Với quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động và đồng hành cùng doanh nghiệp, hàng loạt chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ra đời như luồng gió mới làm khởi sắc phong trào khởi nghiệp ở nước ta. Đối với lĩnh vực đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn, nhiều chính sách ban hành, trong đó có Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 210/2015/NĐ-CP về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ban hành càng khẳng định quyết tâm này.

Nghị định 57 có nhiều quy định đặc thù nhằm thu hút tối đa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: doanh nghiệp thực hiện dự án trên cơ sở định mức hỗ trợ của Nhà nước và được hỗ trợ sau đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ tập trung đất đai, tín dụng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến nông lâm thủy sản, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhằm xã hội hóa dịch vụ công... Thực hiện Nghị định 57, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành một loạt cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trong công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, chỉ số cải cách hành chính của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đạt 96,42 điểm, hạng 2/17 các sở, ban ngành, tăng 7 bậc so với năm 2020. Việc lọt vào top có vị trí cao về chỉ số cải cách hành chính cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

Kết quả Chỉ số cải cách hành chính xác định rõ các mặt mạnh, những hạn chế của đơn vị trong công tác cải cách hành chính, từ đó chủ động xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ về cải cách hành chính cho phù hợp với yêu cầu chung của tỉnh; đề ra giải pháp khắc phục những thiếu sót, hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trong các năm tiếp theo.

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp tạo ra những động lực phát triển mới. Nguồn: ITN
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp tạo ra những động lực phát triển mới
 Nguồn: ITN

Hướng dòng vốn tín dụng vào nông nghiệp - nông thôn

Trong những năm qua, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều chương trình, gói sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phù hợp theo quy định hiện hành.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm 2019 và chiếm tỉ trọng khoảng 26,7% so với tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có hơn 11,4 nghìn tỷ đồng cho vay không phải đảm bảo bằng tài sản, chiếm tỉ trọng 19% tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.        

Là một trong những ngân hàng dẫn đầu trong việc triển khai cấp vốn dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, trong thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Đồng Nai đã triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực này theo quy định. Trong đó, chi nhánh chủ động cân đối nguồn vốn bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu cho vay nông nghiệp - nông thôn; có các chính sách ưu đãi để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nông nghiệp - nông thôn như: ưu đãi về lãi suất, phí dịch vụ, cho vay không có tài sản bảo đảm…

Đại diện Agribank chi nhánh Đồng Nai cho biết, trong những năm qua, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn luôn chiếm tỉ trọng cao trong tổng dư nợ cho vay. Tính đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đối với các xã trên địa bàn tỉnh đạt hơn 65,9 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 29% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong tỉnh.

Nhiều chi nhánh ngân hàng cũng đã chủ động mở rộng các đối tượng đầu tư tín dụng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa bàn nông thôn như cho vay làm đường, làm cầu, đầu tư hệ thống điện…  Đồng thời, có phương án ưu tiên vốn cho vay vào chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo thuận lợi cho người sản xuất chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Hồ tiêu Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) cho biết, các kênh tín dụng của ngân hàng hiện là một trong những kênh vốn lưu động chính của HTX để đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, đạt các tiêu chuẩn quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Phần lớn các nguồn vốn vay là các khoản vay ngắn hạn với lãi suất từ 8 - 8,5%/năm.

Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn

Xuyên suốt quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đồng Nai luôn tập trung đầu tư mạnh về hạ tầng cho các vùng nông thôn. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, quá trình đầu tư hạ tầng nông thôn gắn với công nghiệp hóa và đô thị hóa tiếp tục đặt ra yêu cầu cao nên cần nguồn vốn lớn trong đầu tư cho hạ tầng nông thôn về hạ tầng giao thông, nước sạch, điện nông thôn, trường lớp, cơ sở sinh hoạt văn hóa. Để khuyến khích nhà đầu tư quan tâm đầu tư cho nông thôn, tỉnh có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ như hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công (doanh nghiệp có dự án cung cấp nước sạch, xử lý rác thải nông thôn, doanh nghiệp có dự án xây dựng bến cảng phục vụ vận chuyển sản phẩm nông, lâm, thủy sản, khu neo đậu tàu thuyền…) và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Đơn cử, tháng 3.2022 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Đề án cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2025, đây là đề án đầu tiên về nước sạch nông thôn được tích hợp với nước sạch đô thị với mục tiêu bảo đảm nguồn nước sạch lâu dài, ổn định cho tất cả người dân. Trong đề án này, tỉnh cũng xây dựng chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với nhà đầu tư dự án cấp nước sạch cho người dân. Cụ thể, tỉnh áp dụng quy định về định mức huy động đóng góp của Nhân dân và hỗ trợ ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng các xã, phường, thị trấn; hỗ trợ từng loại hạng mục, công trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ dự án cấp nước.

Thảo Anh