Tháo gỡ khó khăn để điện khí thiên nhiên hóa lỏng phát triển

- Thứ Ba, 30/01/2024, 16:34 - Chia sẻ

Dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên tại Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào vận hành, nhiều dự án LNG trong cả nước đã, đang và dự kiến sẽ triển khai. Tuy nhiên, đến nay khung pháp lý cho hoạt động nhập khẩu và kinh doanh LNG, cũng như cơ chế để cấp LNG tái hóa cho các nhà máy điện… vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ nhằm thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tạo ra các rủi ro cho công tác đầu tư các dự án điện, khí LNG.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nền tảng cho lộ trình giảm phát thải nhà kính” do Báo Xây dựng và Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế (IDE) phối hợp tổ chức, chiều 30.1.

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng Tào Khánh Hưng khẳng định, trước những thách thức của biến đổi khí hậu về mọi mặt của nền kinh tế, xã hội, an ninh toàn cầu, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C vào cuối thế kỷ này.

Tháo gỡ khó khăn để điện khí thiên nhiên hóa lỏng phát triển -0
Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng Tào Khánh Hưng phát biểu tại hội thảo

“Trước những khó khăn trên, Chính phủ nói chung và Bộ Xây dựng nói riêng đã chủ động, tích cực tham gia vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính phủ đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu này tại Hội nghị COP 26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay cùng thực hiện của cả nền kinh tế… Hội thảo lần này, cũng nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, chuyên môn của doanh nghiệp trong chủ trương phát triển bền vững, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng sạch…”, Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng Tào Khánh Hưng nhấn mạnh.

Tháo gỡ khó khăn để điện khí thiên nhiên hóa lỏng phát triển -0
Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay ở Việt Nam vẫn thiếu cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực LNG đang là điểm nghẽn lớn cho phát triển, cần được tập trung xử lý, hoàn thiện, để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, hướng đến hiện thực hóa các mục tiêu về LNG trong chiến lược năng lượng quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng yêu cầu về chuyển dịch năng lượng theo xu hướng xanh, sạch, bền vững phù hợp với xu thế chung trên toàn cầu. Và để các cơ chế, chính sách thực sự song hành, hỗ trợ cho việc thực hiện các định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tránh những rủi ro không đáng có cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tiên phong, đi đầu; cũng như tránh nguy cơ “vỡ” quy hoạch.

Các chuyên gia cũng nêu rõ, hiện nay Việt Nam thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thỏa thuận pháp luật, kinh tế, thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án đến khí LNG… Để hỗ trợ việc nhập khẩu, kinh doanh LNG hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần chấp thuận chủ trương bổ sung LNG là nguồn khí thay thế khi nguồn khí nội địa đang suy giảm.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế bao tiêu tối thiểu để xác định khối lượng nhập khẩu dài hạn; … và tương tự như ở các quốc gia phát triển, cần có cơ chế chuyển ngang bao tiêu khối lượng khí và giá khí LNG tái hóa cùng với các quy định cụ thể về cấp có thẩm quyền phê duyệt nguyên tắc xác định giá LNG nhập khẩu, cước phí vận chuyển khí, tồn trữ, phân phối LNG,... để có cơ sở ký kết hợp đồng mua bán khí LNG tái hóa với các nhà máy điện. Đặc biệt, cần xây dựng một khung pháp lý và chính sách ổn định liên quan đến việc nhập khẩu/tiêu thụ LNG.

Trước thực trạng đó, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam TS Nguyễn Quốc Thập nêu giải pháp, cần thay đổi nhận thức và tư duy: Điện khi LNG không phải chỉ có kho cảng LNG và Nhà máy điện; Điện khí LNG cần được hấp thụ bởi các khu/cụm công nghiệp và các nhà máy; Điện khí LNG cần được vận hành theo thông lệ quốc tế đó là thị trường và thị trường dài hạn; Giá điện và giá khí LNG cần phải neo theo giá dầu thô trong công thức giá; Các cam kết dài hạn và thị trường cũng là các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch.

Tháo gỡ khó khăn để điện khí thiên nhiên hóa lỏng phát triển -0
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam TS Nguyễn Quốc Thập

Mặt khác, cũng cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát với mục tiêu trong các quy hoạch Điện: Quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, Nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô sử dụng điện đủ lớn; Thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG; Kích cầu điện, kích thích sản xuất, kích thích tiêu dùng; Tháo gỡ nút thắt liên quan đến cam kết huy động tổng sản lượng điện.

“Đặc biệt, cần thiết một Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội để đảm bảo mục tiêu Quy hoạch năng lượng và Quy hoạch Điện VIII. Có cơ hội để xây dựng cơ chế chính sách điện khí LNG nói riêng và năng lượng nói chung… Đồng thời, cần sửa đổi Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế, Luật Đầu tư và các Nghị định hướng dẫn…”, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam TS Nguyễn Quốc Thập chia sẻ.

Đức Hiệp
#