Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 22 - 24 nghìn tấn thủy sản sang các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) với giá trị dao động từ 50 - 70 triệu USD.
6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang UAE đạt 17,5 triệu USD, giảm 50,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Các mặt hàng thủy sản nhập khẩu nhiều nhất vào UAE là tôm thẻ chân trắng và tôm sú đông lạnh, cá ngừ chế biến/bảo quản, cá ngừ vằn và cá ngừ Đại Tây Dương, cá hồi Đại Tây Dương tươi/ướp lạnh và cá hồi sông Danube và cá khác đông lạnh, trong đó có cá tra... Trong đó, xuất khẩu cá tra và tôm sú 6 tháng qua đều giảm trên 50%, tôm chân trắng giảm tới 73%...
Dù giảm sâu về kim ngạch xuất khẩu nhưng UAE vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng của thủy sản của Việt Nam, bởi đây là nhà nhập khẩu ròng thủy hải sản và nhập khẩu tới 90% lượng thực phẩm tiêu thụ.
Các chuyên gia cho rằng, triển vọng kinh tế của UAE vẫn tích cực, với dự báo GDP tăng trưởng 3,6% vào năm 2023. Bất chấp những phân nhánh địa chính trị mà nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt, nền kinh tế UAE đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng, phục hồi và thịnh vượng mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm nay. Thành tích kinh tế thành công đã dẫn đến việc UAE được vinh danh là nền kinh tế lớn trên thế giới- nền kinh tế định hướng đổi mới. Những tín hiệu này sẽ là hy vọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó tại các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tiến bộ của UAE trong việc triển khai các Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện sẽ giúp cải thiện thương mại và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, là những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, UAE đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, Malaysia, Singapore, New Zealand… Ấn Độ dường như đã tận dụng tốt lợi thế thuế quan tại thị trường này để gia tăng thị phần trong những năm qua và chiếm thị phần chi phối 20% - 24% tại UEA.
Các sản phẩm cá tra, cá ngừ và cá biển khác nhập khẩu vào UAE là những sản phẩm chủ lực, đang bị áp mức thuế 5%. Các doanh nghiệp kỳ vọng thị trường này sẽ rộng mở hơn nếu FTA giữa Việt Nam và UAE đạt được thỏa thuận đưa thuế nhập khẩu thủy sản vào UAE về 0%.
Bên cạnh thuế quan, khó khăn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu vào UAE là các yêu cầu của nhà nhập khẩu liên quan đến chứng nhận Halal. Theo đó, sản phẩm phải không có bất cứ nguyên liệu nào luật Hồi giáo cấm; sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ phương tiện, thiết bị nào từ vật liệu luật Hồi giáo không cho phép, trong suốt các khâu sản xuất; và trong suốt quá trình đó sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ thực phẩm bổ dưỡng nào từ nguyên liệu luật Hồi giáo không chấp nhận.
Nếu vấn đề này được các bộ, ngành quan tâm cùng doanh nghiệp khắc phục thì thủy sản Việt không chỉ chinh phục được thị trường UAE mà cả khu vực Trung Đông tiềm năng.