Theo nghiên cứu được Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) công bố cuối tuần qua, chỉ có 27/63 UBND tỉnh, thành phố đăng tải bảng giá đất cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2024 (chiếm 42,9%) và 337/704 UBND cấp huyện trên toàn quốc đăng tải kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2021 (chiếm 47,9%). Như vậy có nghĩa, hơn một nửa số địa phương cấp tỉnh và huyện trong cả nước chưa thực hiện việc này dù năm 2022 đã bước sang nửa cuối năm.
Đáng chú ý, chất lượng thông tin đăng tải cũng “có vấn đề”. Các tài liệu đính kèm thông báo công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thường được đăng rải rác ở những chuyên mục khác nhau trên các cổng/trang thông tin điện tử. Điều này khiến người dân gặp khó khăn trong tìm kiếm thông tin một cách đầy đủ. Theo kết quả tìm kiếm, chỉ có 17% cơ quan đăng tải đầy đủ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đáp ứng yêu cầu đăng tải cả 4 loại tài liệu (gồm thông báo công khai kế hoạch sử dụng đất, quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, báo cáo thuyết minh và bản đồ kế hoạch sử dụng đất) hoặc đăng tải 3 loại tài liệu quan trọng nhất ngoại trừ thông báo công khai kế hoạch sử dụng đất.
Kết quả này tương đồng với khảo sát PAPI 2021 (Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) công bố tháng 5 vừa qua. Theo đó, việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân còn rất hạn chế ở tất cả các tỉnh, thành phố. Tỷ lệ người dân được biết đến kế hoạch sử dụng đất năm 2021 ở địa phương dao động 5% - 30%. Bên cạnh đó, tỷ lệ người được hỏi cho biết họ biết nơi có thể lấy thông tin về Bảng giá đất 2021 do chính quyền cấp tỉnh ban hành hàng năm dao động từ 23% - 67% trên phạm vi toàn quốc.
Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV vừa qua, các đại biểu cũng phản ánh các địa phương chưa coi trọng việc công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân trong lĩnh vực đất đai. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương.
Xu thế này rất đáng tiếc, nhất là khi pháp luật về đất đai và tiếp cận thông tin đã quy định cụ thể về trách nhiệm, quy trình, hình thức và thời hạn công khai thông tin bảng giá đất cấp tỉnh và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng như cung cấp những nội dung thông tin này theo yêu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV đã yêu cầu Chính phủ cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị của tổ chức và công dân; khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, tăng cường công khai, minh bạch trong mọi khâu, mọi việc là một trong những giải pháp ngăn ngừa tham nhũng. Khi thông tin liên quan đến đất đai được chia sẻ công khai và người dân có cơ hội đóng góp ý kiến, ví dụ cho dự thảo kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất, thì nguy cơ tham nhũng và mâu thuẫn trong lĩnh vực đất đai chắc chắn giảm đi. Cùng với đó, niềm tin của người dân vào chính quyền địa phương sẽ tăng lên và thị trường đất đai ngày một minh bạch sẽ hạn chế đầu cơ, thao túng...
Thực tế này cho thấy, cần phải nhanh chóng triển khai các yêu cầu của Luật Tiếp cận thông tin 2016. Đồng thời, trong tiến trình sửa đổi Luật Đất đai (năm 2023) và thông qua dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (cuối năm 2022), yêu cầu và chuẩn mực công khai thông tin đất đai cần được củng cố, bởi đây là vấn đề vừa có ý nghĩa quan trọng tới đời sống, sinh kế của người dân, vừa đóng vai trò lớn trong ngăn ngừa giặc nội xâm tham nhũng.