Xóa tư duy “vị thân”
Một ĐBQH Khóa XIII kể, mấy hôm trước, do có việc cần đến phiếu lý lịch tư pháp nên ông đã sử dụng dịch vụ đăng ký cấp phiếu trực tuyến. Sau khi hoàn tất các thủ tục theo hướng dẫn, ông mang hồ sơ và mã số đăng ký trực tuyến đến bộ phận tiếp nhận hồ sơ để nộp. Cứ nghĩ, đã đăng ký trực tuyến thì việc nộp, xử lý hồ sơ sẽ nhanh chóng, đúng với tinh thần của chính quyền điện tử. Nhưng khi đến nơi, ông vẫn được yêu cầu phải sao chụp, nộp thêm những giấy tờ không được nêu trong danh mục hồ sơ. Sau đó, nhờ một cán bộ ở nơi tiếp nhận phát hiện ra nên hồ sơ của ông đã được xử lý theo một “quy trình” khác, nhanh gọn hơn hẳn.
Tất nhiên, không phải người dân nào cũng có may mắn được cán bộ hành chính nhớ mặt, nhớ tên như ông. Vậy nên, ngay lúc ngồi chờ hồ sơ được giải quyết, ông đã nghe được những tiếng phàn nàn của một số người xung quanh về thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp, về công chức nhũng nhiễu, “hành là chính”. Kể lại chuyện này, vị ĐBQH cũng cho rằng, chúng ta cứ nói xây dựng chính quyền điện tử, tốn không ít bạc tiền đầu tư máy móc, trang thiết bị để nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân nhưng thực tế, cái cần thay đổi, cần cải cách nhất là nhận thức, tư duy và tâm thế của cán bộ, công chức lại chưa làm được bao nhiêu.
Khi nào, cán bộ, công chức còn coi người dân, doanh nghiệp là đối tượng để ban phát, xin - cho thì khi đó, chính quyền điện tử nói riêng và bộ máy hành chính nhà nước nói chung, khó mà vận hành thông suốt được. Nhiều thành viên Đoàn giám sát của QH về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 cũng đã khẳng định điều này sau các cuộc làm việc với bộ, ngành ở Trung ương và một số địa phương trong vài tháng qua. Nhận thức, tư duy và tâm thế của cán bộ, công chức cũng đã được đánh giá là một trong những lực cản đối với nỗ lực cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, trong đó có việc tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối các cơ quan, xóa bỏ các tầng nấc trung gian…
Tại sao, sau nhiều năm, lực cản ấy vẫn không thể xóa bỏ được, thậm chí, vẫn “sống khỏe”? Một phần của câu trả lời đã được giải đáp trong Chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) hàng năm. Mới đây nhất, chỉ số PAPI năm 2016 nêu rõ, hiện trạng “vị thân” khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công vẫn còn phổ biến, nếu không muốn nói là, ở nhiều địa phương, đang có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn. Thân quen và “lót tay” vẫn là những yếu tố quyết định sự thành công của một cá nhân khi xin việc vào khu vực công. Tất nhiên, không phải công bộc “vị thân” nào cũng yếu kém về năng lực, trình độ chuyên môn, trách nhiệm hay đạo đức công vụ nhưng việc tuyển dụng như vậy rõ ràng đã không bảo đảm được sự minh bạch, công bằng trong chính đội ngũ cán bộ công chức, tạo lực cản và trong nhiều trường hợp đã triệt tiêu động lực sáng tạo, cống hiến của những người giỏi nhưng không có người nâng đỡ.
Thực tế cũng đã có không ít biện pháp bảo đảm sự công bằng, giảm thiểu tình trạng “vị thân”, “một người làm quan cả họ được nhờ” trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công được triển khai thực hiện thời gian qua. Vài năm trở lại đây, các trường hợp được tuyển vào bộ máy nhà nước theo con đường “vị thân” cũng đã được phát hiện và cơ quan chức năng cũng cho thấy quyết tâm giảm thiểu tình trạng này. Nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn, mới chỉ ở một vài địa phương, bộ ngành.
Công bằng, minh bạch trong tuyển dụng công chức phải được xem là chìa khóa để xây dựng bộ máy nhà nước liêm chính, trong sạch, thực sự phục vụ nhân dân. Vì thế, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, với giám sát tối cao lần này, QH phải thực sự có những biện pháp mạnh tay để chấm dứt cách thức tuyển dụng nhân sự vào khu vực công theo con đường “vị thân” như thế. Để không lặp lại những hiện tượng bổ nhiệm siêu tốc, cả họ làm quan… gây bức xúc như vừa qua thì có lẽ phải ràng buộc trách nhiệm và có chế tài xử lý nghiêm ngặt hơn với cả những người đã “đỡ đầu”, “giới thiệu” hay “tiến cử” người thân vào cơ quan nhà nước.