Xin lỗi cũng phải tôn nghiêm
Với người bị oan sai, việc được xin lỗi công khai từ phía cơ quan tố tụng là điều mà họ chờ đợi. Bởi lẽ, chỉ được xin lỗi công khai họ mới cảm thấy mình hoàn toàn thoát khỏi bản án của tòa và hơn thế, thoát khỏi bản án “miệng lưỡi thế gian” đeo đẳng họ trong thời gian mang án.
Xin lỗi công khai là cơ hội để cơ quan tố tụng nhìn thẳng vào sự thật, đứng ra nhận lỗi trước người bị oan về những sai sót trong quá trình tiến hành tố tụng. Đó cũng là cách để xây dựng nền tư pháp dân chủ, vì dân.
Thế nhưng, với “tử tù” Hàn Đức Long ở Bắc Giang thì dường như nỗi niềm của ông chưa hoàn toàn được trút bỏ qua buổi xin lỗi công khai vừa qua. Có lẽ, không chỉ ông Hàn Đức Long và thân nhân mà ngay cả những người chứng kiến buổi xin lỗi công khai ấy cũng không khỏi chạnh lòng. Buổi xin lỗi đáng lẽ phải diễn ra trong không khí tôn nghiêm thì những người có mặt lại chứng kiến cảnh hỗn loạn không đáng có bởi một bộ phận người dân quá khích và có hành vi thiếu tôn trọng pháp luật.
Thủ tục xin lỗi đã được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản về việc khôi phục danh dự của người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý vụ việc phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai. Việc xin lỗi công khai được thực hiện bằng các hình thức trực tiếp tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại; có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương, đại diện cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, đại diện của tổ chức chính trị - xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên. Hoặc việc xin lỗi công khai được thực hiện bằng hình thức đăng nội dung xin lỗi trên một tờ báo Trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của người bị oan sai hoặc đại diện hợp pháp của họ… Quy định là vậy, nhưng xung quanh vấn đề này còn có nhiều điều đáng bàn.
Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV, khi thảo luận về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đã chạm được đến nỗi niềm của không ít người bị oan. Đại biểu Thủy cho rằng, ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy rất day dứt mỗi khi nhận được thông tin lại có thêm một người bị oan và cảm thấy không yên lòng khi công tác giải quyết bồi thường oan còn nhiều khúc mắc.
Xin lỗi công khai người bị oan là một khâu nằm trong quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tổ chức xin lỗi công khai người bị oan sai ở một số nơi còn mang tính hình thức. Nguyên nhân chủ yếu là do luật hiện hành chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục xin lỗi. Không ít trường hợp thời gian giam oan là 4 - 5 năm, thậm chí hơn 10 năm nhưng thời gian tổ chức xin lỗi chỉ diễn ra trong 5 phút.
Có lẽ, không ai muốn một ngày nào đó mình bị oan để được xin lỗi công khai và cơ quan tố tụng cũng không muốn phải đứng ra xin lỗi công khai người bị oan vì sai sót trong quá trình tố tụng. Nhưng có một điều mà những người bị oan sai ai cũng mong muốn là nỗi oan của mình được “gột rửa” bởi một buổi xin lỗi công khai được diễn ra trọn vẹn.
Theo dự kiến, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) sẽ được trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới. Để việc xin lỗi không hình thức, dự thảo Luật cần quy định cụ thể trình tự thủ tục xin lỗi, không giao cho Bộ Tư pháp hướng dẫn; quy định cụ thể về cơ chế để bảo đảm cho buổi xin lỗi được diễn ra nghiêm túc, trọn vẹn. Có như vậy, mới bảo đảm tính tôn nghiêm của pháp luật và người bị oan sai mới thực sự tin vào công lý.