Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình TXCT các huyện vùng cao trước Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV:

Xây dựng tiêu chí nông thôn mới phù hợp đặc thù vùng, miền

Tại buổi TXCT trước Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV do Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tổ chức mới đây, cử tri các huyện vùng cao Đà Bắc, Yên Thủy, Cao Phong đánh giá, việc thực hiện một số chỉ tiêu, tiêu chí mới theo bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) khó hơn giai đoạn trước. Do vậy, cần xem xét điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu để phù hợp với đặc thù của các địa phương miền núi, có điều kiện khó khăn. 

Cần cơ chế, chính sách đặc thù với vùng khó khăn

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri cho rằng, mặc dù tỉnh đã triển khai, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ nhưng việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ cho các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhất là đối với hệ thống giáo dục và y tế tuyến xã. Vì vậy,  Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút được nhiều hơn nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển của các địa phương.

Nhiều cử tri cũng phản ánh, bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí mới khó thực hiện hơn bộ tiêu chí giai đoạn trước, nhất là đối với những địa phương thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Do vậy, cử tri kiến nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu đối với xã về đích NTM để phù hợp với đặc thù của các địa phương miền núi; đồng thời, tăng năng suất đầu tư đối với nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao.

Xây dựng tiêu chí nông thôn mới phù hợp đặc thù vùng, miền -0
Cử tri phát biểu tại hội nghị Ảnh: Bùi Hiển

Theo cử tri huyện Đà Bắc, thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn đã có bước phát triển song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đây là một trong những nguyên nhân khiến huyện nghèo duy nhất của tỉnh chưa thể bứt phá. Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, huyện Đà Bắc kiến nghị, UBND tỉnh quan tâm nâng cấp đường tỉnh lộ 433 thành đường quốc lộ 32D, tiêu chuẩn đường cấp IV - miền núi, 2 làn xe; chỉ đạo giao các sở, ban, ngành triển khai chuẩn bị đầu tư dự án trên từ năm 2024 - 2025.

Mặt khác, giai đoạn 2021 - 2025, Đà Bắc cũng như các huyện khác đã triển khai quyết liệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, song một số xã vẫn có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Từ thực tế trên, cử tri mong muốn, Trung ương tiếp tục kéo dài việc thực hiện Chương trình này trong giai đoạn 2026 - 2030.

Trước băn khoăn của cử tri, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: các ý kiến, kiến nghị của cử tri địa phương cũng là mong mỏi của cử tri nhiều địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn trong cả nước. Với chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta, không chỉ trong giai đoạn 2025 - 2030 mà còn trong các giai đoạn tiếp theo, các khu vực khó khăn sẽ tiếp tục được thụ hưởng sự đầu tư từ ngân sách trung ương để có thêm nguồn lực nâng cao chất lượng đời sống.

Nâng mức chi trả phí dịch vụ môi trường rừng

Một trong những nội dung cũng được đông đảo cử tri và Nhân dân tỉnh Hòa Bình quan tâm tại các buổi tiếp xúc là chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở. Theo đó, để giảm bớt khó khăn cho các hộ nghèo, cận nghèo thực hiện phong trào “xóa nhà tạm, nhà dột nát”, bảo đảm công bằng trong quá trình triển khai, thực hiện các chính sách, cử tri kiến nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ nhà ở từ ngân sách trung ương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, hỗ trợ nhà ở xây mới 50 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa nhà ở 25 triệu đồng. Ngoài ra, cần nâng mức chi trả phí dịch vụ môi trường rừng để phù hợp với công sức và khuyến khích người dân tham gia; mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn; quan tâm đến cơ chế, chính sách đối với cán bộ ở cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ không chuyên trách, cán bộ ở thôn, xóm, tổ dân phố…

Tiếp thu ý kiến cử tri, đại diện Đoàn ĐBQH, các cơ quan chức năng trực thuộc tỉnh đã giải đáp, làm rõ những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri đối với những nội dung thuộc thẩm quyền. Liên quan đến ý kiến về chi trả dịch vụ môi trường rừng còn bất cập, chưa phù hợp, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, ĐBQH tỉnh khẳng định, người dân là chủ thể quan trọng trong tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, mức kinh phí hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ rừng chưa tương xứng. Do đó, cùng với các cơ quan chức năng, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến và kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh, phân bổ nguồn vốn từ dịch vụ chi trả môi trường rừng cho phù hợp.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng thông tin, vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các địa phương giai đoạn 2020 - 2022” tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua kiểm toán, đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16.11.2018 của Chính phủ. Trong đó, có quy định nhằm bảo đảm việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng đối với nhóm hộ gia đình, cá nhân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng phù hợp với thực tiễn.

Hoạt động của Đoàn ĐBQH

Đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới
Hoạt động của Đoàn ĐBQH

Đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới

Sáng 11.10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý về một số dự án luật liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Phó Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Phạm Thanh Phương chủ trì Hội nghị.

Bắc Ninh: Lấy ý kiến vào các dự án luật trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV
Hoạt động của Đoàn ĐBQH

Bắc Ninh: Lấy ý kiến vào các dự án luật trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV

Ngày 10.10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào 3 dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV gồm: Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trao 100 suất quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Hoạt động của Đoàn ĐBQH

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trao 100 suất quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Động viên, thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm cũng thông tin đến cử tri người lao động về Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV và một số Luật liên quan đến người lao động sẽ được xem xét thông qua và cho ý kiến.

Cử tri kiến nghị bố trí vị trí việc làm cho nhân viên y tế trường học
Hoạt động của Đoàn ĐBQH

Cử tri kiến nghị bố trí vị trí việc làm cho nhân viên y tế trường học

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ bố trí vị trí việc làm cho nhân viên y tế trường học; có chế độ hỗ trợ cho cán bộ quản lý trường học kiêm nhiệm công tác xây dựng Đảng; định mức tiết dạy giáo viên THCS và THPT ngang nhau (17 tiết/tuần) để bảo đảm công bằng cho giáo viên các cấp. Đây là kiến nghị của các cử tri là giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thị xã Hoàng Mai tại Hội nghị TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Hà Tĩnh: Cử tri kiến nghị tiếp tục giữ chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên
Hoạt động của Đoàn ĐBQH

Hà Tĩnh: Cử tri kiến nghị tiếp tục giữ chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, chiều 8.10, tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh gồm: Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ; Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu đã tiếp xúc cử tri chuyên đề chính sách, pháp luật về nhà giáo.