Xuất khẩu thấp so với tiềm năng
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tháng 7.2024, Việt Nam xuất khẩu được 9.871 tấn quế với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 27,3 triệu USD. Tính chung 7 tháng năm nay, cả nước xuất khẩu được 54.732 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 154,1 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 5,9%, kim ngạch tăng 0,2%.
Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất quế đứng đầu thế giới. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được gần 90.000 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 261 triệu USD. Với kết quả này, Việt Nam chiếm khoảng 34% thị phần thương mại quế toàn cầu, các thị trường tiêu thụ chính gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Mỹ...
Hiện, cả nước có khoảng 180.000ha diện tích trồng quế. Trong đó, Yên Bái chiếm trên 80.000ha, tập trung chủ yếu tại 3 huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn; diện tích quế trồng tập trung trên 30.000ha, trong đó có trên 7.000ha đạt chứng nhận quế hữu cơ. Tỉnh cũng đã xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên. Với diện tích lớn, Yên Bái có lợi thế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế. 7 tháng năm nay, tỉnh xuất khẩu quế đạt hơn 12 triệu USD, trong đó có hơn 2 triệu USD xuất khẩu trực tiếp, đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cả nước.
Cây quế đã tạo sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn hộ nông dân cả nước, gia tăng thu nhập cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo. Quế xuất khẩu của Việt Nam đã khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, theo các chuyên gia, giá trị xuất khẩu quế còn rất thấp so với tiềm năng, thế mạnh. Các sản phẩm quế xuất khẩu chủ yếu thông qua trung gian nên giá cả và thị trường không ổn định, giá trị chưa cao. Mặt khác, nước ta cũng chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia cho ngành quế; tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong vỏ cây quế vẫn còn xảy ra…
Nhiều lợi ích khi tham gia hệ sinh thái
Theo Bộ Công Thương, thị trường đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với sản phẩm quế về các yêu cầu cơ bản như tiêu dùng xanh, giảm khí phát thải carbon; sản phẩm bảo đảm truy xuất nguồn gốc, sản xuất bền vững, kể cả các yếu tố môi trường, xã hội; bảo đảm chất lượng, kể cả việc kiểm soát và đáp ứng yêu cầu MRL (giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm) theo quy định thị trường. Nhu cầu phân khúc hàng hữu cơ, sản phẩm giá trị gia tăng, thực phẩm chức năng để tăng khả năng miễn dịch, hỗ trợ sức khoẻ… ngày càng lớn.
Nhằm gia tăng giá trị cho cây quế, thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này, các chuyên gia cho rằng, cần nâng cao chất lượng cây giống, chú trọng khâu trồng và chăm sóc, có sự kết hợp của chuỗi cung ứng và tiêu thụ trên toàn quốc… Trong đó, về khâu trồng và chăm sóc, một trong những hướng đi cần thiết cho cây quế là cần tăng diện tích canh tác hữu cơ nhằm đáp ứng xu thế, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác các thị trường mới tiềm năng, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Riêng tại Yên Bái, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 20.000ha quế được cấp chứng nhận hữu cơ.
Chủ tịch VPSA Hoàng Thị Liên lưu ý, ngành quế cần có sự thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với yêu cầu của thị trường xuất khẩu trong giai đoạn tới; có thêm các nghiên cứu khoa học để kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường, nhất là các vấn đề liên quan đến quy định mức dư lượng tối đa, tìm kiếm các giải pháp xử lý sâu bệnh phù hợp. Cùng với đó, cần khuyến khích nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế; có chế tài kiểm soát hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật không hợp pháp, không có trong danh mục quản lý. Đồng thời, cần tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu ở quy mô quốc gia.
Đặc biệt, việc tận dụng các FTA được xác định là giải pháp quan trọng để gia tăng xuất khẩu quế. Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành quế. Theo dự thảo đề án, mục tiêu chính là giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích của FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, qua đó tạo đòn bẩy cho ngành quế phát triển.
Bộ Công Thương cho biết, tham gia vào hệ sinh thái này, hộ nông dân trồng quế sẽ được hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng; được hỗ trợ tư vấn canh tác đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; được bảo đảm đầu ra theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp trong hệ sinh thái; được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình canh tác.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu sẽ được hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng tham gia hệ sinh thái; được tư vấn tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ; được hỗ trợ thông tin về thị trường, kết nối khách hàng, hợp đồng; được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh…
Về phía ngân hàng, có thể giải ngân nguồn tín dụng hiệu quả, đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong khi vẫn bảo đảm an toàn tài chính; đa dạng khách hàng vay vốn; có thể mở rộng việc kết nối với các tổ chức, cơ quan ở địa phương và Trung ương; được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh…