Xây dựng chính quyền cấp xã hiệu năng, hiệu quảBài cuối: Năng lực thể chế là yếu tố quyết định
Bước vào giai đoạn cách mạng mới, chính quyền địa phương cấp xã nhận lãnh sứ mệnh lớn lao hơn trước nhiều lần trong mô hình địa phương 2 cấp. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự thay đổi tương ứng trong tư duy về tổ chức và hoạt động mới có thể bảo đảm là nền tảng của một nền hành chính gần dân, phụng sự Nhân dân. Trong đó, năng lực thể chế là yếu tố quyết định.
Cách đây hơn 77 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng: “Về hành chính: Cấp xã là gần gũi Nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”. Hành chính hiểu theo nghĩa rộng là một dạng “quản lý” đặc biệt của Nhà nước, đó là quản lý công - hành chính công, mang tính quyền lực nhà nước nhằm phục vụ lợi ích công hay lợi ích riêng hợp pháp của công dân.
Cụ thể hơn tiêu chuẩn đại biểu HĐND
Chất lượng của đại biểu HĐND quyết định hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Ngày nay, dân trí ngày càng cao, yêu cầu phát huy dân chủ XHCN không ngừng tăng lên. Theo đó, tiêu chuẩn người đại diện chính trị của Nhân dân cũng phải bảo đảm tương ứng để quyền lực của Nhân dân được phát huy, phục vụ lợi ích của Nhân dân, của quốc gia, dân tộc.

Nâng cao chất lượng đại biểu HĐND, cần quy định cụ thể, rõ tiêu chuẩn, tránh chung chung và khi đã trúng cử thì “không làm cũng không sao”. Phải hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng “công chức hóa” đại biểu; không giới thiệu công chức (kể cả công chức khối Đảng, Nhà nước, mặt trận, đoàn thể) ứng cử, kiêm nhiệm làm đại biểu HĐND theo dạng “hai vai”, việc chính, việc phụ... Phải xóa bỏ tư duy “hành chính hóa” hoạt động của đại biểu, chỉ làm việc “xuân thu nhị kỳ” khi được triệu tập hội nghị HĐND hay hội nghị tiếp xúc cử tri, ngoài ra không quan tâm nhiều tới những diễn biến xã hội liên quan người dân mà mình làm đại diện.
Để lựa chọn được những đại biểu HĐND thực sự là người đại diện chính trị tin cậy, tiêu biểu cho trí tuệ của cử tri; những người có đủ khả năng, tâm huyết, cống hiến cho đất nước, dấn thân vì dân, xứng tầm đại diện cho một thiết chế dân chủ ở địa phương, cần nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn đại biểu quy định tại khoản 3, Điều 5 dự thảo Luật. Cụ thể: Đại biểu HĐND phải có trình độ học vấn tối thiểu phổ cập trung học phổ thông; có năng lực thể chế chính sách, pháp luật; có năng lực tiếp cận thực tiễn để nắm bắt quá trình thực thi chính sách; kết hợp lao động trí óc thực sự để phản hồi, góp ý đề xuất các giải pháp hoặc kiến nghị ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, nhằm thực hiện đạt được mục tiêu chung và theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vì lợi ích của Nhân dân.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 5 theo hướng: Tổ chức bầu bổ sung đại biểu HĐND giữa nhiệm kỳ. Thực tiễn cho thấy, với nhiệm kỳ của mỗi khóa HĐND là 5 năm, không ít trường hợp số lượng đại biểu bị khuyết vì nhiều lý do khác nhau, nếu không bổ sung kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cử tri, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.
Rõ trách nhiệm chính trị, pháp lý
Về nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định rõ trách nhiệm chính trị trong thực thi nhiệm vụ đại biểu, trách nhiệm pháp lý trong biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND (Điều 33 dự thảo).
Về hoạt động của UBND (Điều 40 dự thảo), để bảo đảm thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội, đề nghị bổ sung quy định: đại diện Thường trực HĐND, đại diện Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam được mời tham dự các cuộc họp thường kỳ, chuyên đề của UBND cùng cấp.
Với việc bổ sung quy định tiêu chuẩn đại biểu, cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn CQĐP cấp xã sẽ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm hơn, bảo đảm cơ sở chính trị và khoa học, thể hiện tinh thần phục vụ Nhân dân là trước hết, trên hết, nhất quán với quan điểm của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ trong phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X: "Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân; Nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng; mọi phấn đấu của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị chỉ có ý nghĩa khi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc".
Cử tri và Nhân dân kỳ vọng việc sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này là bước đột phá mạnh mẽ về tư duy, thể chế hóa các chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng; khơi dậy tinh thần hành động, kiến tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích quốc gia, góp phần vào thành công của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta.