Tỷ lệ nội địa hóa mới đạt 20 - 25%
Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, trong đó có việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước, song thực tế, tỷ lệ nội địa hóa các ngành sản xuất công nghiệp vẫn còn khiêm tốn, bình quân chỉ đạt 20 - 25% (dệt may, da giày là 40 - 45%; lắp ráp ô tô 7 - 10%; công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử viễn thông 15%...). Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) chủ yếu nhập khẩu để phục vụ sản xuất, việc nhận cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa từ các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Mức độ liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước chưa cao, nhất là ở một số ngành quan trọng như điện tử, công nghệ thông tin... đã hạn chế năng lực tăng năng suất cho khu vực trong nước thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ quản lý; cản trở các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo TS. Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo đó, sản phẩm linh phụ kiện do Việt Nam sản xuất thường chỉ là chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình hoặc thấp, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm; khả năng liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp của sản phẩm và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn yếu. Một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, như hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực này; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu và phát triển (R&D); hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất; hợp tác quốc tế; mở rộng thị trường; đầu tư vào dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho ngành này còn chưa phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, vẫn chưa có cơ chế để ràng buộc đối với các doanh nghiệp FDI để buộc các doanh nghiệp “mẹ” phải sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp hỗ trợ trong nước.
Rà soát, cơ cấu lại nguồn nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ
Việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa có vai trò hết sức quan trọng để xây dựng một nền công nghiệp độc lập, tự chủ, hướng tới phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm gia tăng giá trị của sản xuất công nghiệp cũng như tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Điều này càng ý nghĩa trong bối cảnh thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung.
Để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đưa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia được vào các công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, TS. Lê Huy Khôi cho rằng, cần tăng cường đầu tư phát triển ngành cơ khí, khuôn đúc nhằm kéo theo nhu cầu về đầu vào của các sản phẩm này tăng lên, thúc đẩy doanh nghiệp lớn hợp tác với doanh nghiệp nhỏ hơn để cung cấp linh kiện. Cùng với đó, nghiên cứu, ban hành văn bản pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp lớn. Tăng cường hỗ trợ xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Về phía Chính phủ, TS. Lê Huy Khôi đề xuất, cần xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu, đầu tư xây dựng các Trung tâm Kỹ thuật nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp công nghiệp nói riêng và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói chung (theo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị cho doanh nghiệp nội địa, đáp ứng các yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Song song, cần xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng tiêu chí ưu tiên trong lựa chọn phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các khâu còn yếu của chuỗi giá trị sản phẩm hoặc công đoạn quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm của ngành.
Mặt khác, cần xây dựng và hình thành chính sách tài chính, tín dụng linh hoạt cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ưu tiên nguồn lực và triển khai có hiệu quả các chương trình quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam đến năm 2030…; định hướng hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng cường liên kết và phát triển chuỗi giá trị trong nước. Đồng thời, cần tăng cường thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất lắp ráp trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước.
Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, chính sách hỗ trợ về đào tạo nhân lực là rất quan trọng để công nghiệp hỗ trợ phát triển, trong bối cảnh nhiều ngành nghề mới ra đời, công nghệ phát triển từng ngày, từng giờ. Do đó, cần rà soát, cơ cấu lại nguồn nhân lực đối với toàn bộ ngành công nghiệp hỗ trợ; tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng làm chủ và tiếp nhận các công nghệ sản xuất mới; tăng cường công tác dạy nghề về công nghệ, kỹ thuật đạt trình độ quốc tế. Việc gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ giúp chúng ta có nguồn lao động đủ năng lực, trình độ, qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành sản xuất công nghiệp nói chung.