Muốn bền vững cần phát triển dựa trên nội tại
- Theo Tổng cục Thống kê, tháng 10.2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,5%). Ông nhận xét gì về những con số này?
- Công nghiệp và dịch vụ hiện là hai lĩnh vực đóng góp rất lớn cho tăng trưởng của nền kinh tế. Vượt qua những khó khăn, thách thức, IIP 10 tháng tăng 8,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 9,6% là một tín hiệu rất tích cực, cho thấy sự phát triển về công nghiệp đang tương đối tốt. Đây là nền tảng quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm nay và cả thời gian tới.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo vốn có đóng góp lớn cho xuất khẩu của nước ta cũng như tới sự tăng trưởng kinh tế nói chung, có tiếp tục giữ đà tăng trưởng mạnh liên tục và bền vững hay không còn liên quan rất lớn đến sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Bởi, với quốc gia đang dịch chuyển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ có vai trò nền tảng đối với các ngành công nghiệp cũng như cả nền kinh tế; là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Dù đã được quan tâm song công nghiệp hỗ trợ của nước ta vẫn chưa phát triển được như mong muốn.
- Một trong những minh chứng cho thấy công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển mạnh là tỷ lệ nội địa hóa hiện vẫn còn thấp, số doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia khá khiêm tốn. Theo ông, cách nào để tháo gỡ vấn đề này?
- Theo Bộ Công Thương, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Trong tổng số khoảng 5.000 doanh nghiệp nội địa sản xuất phụ tùng, linh kiện, chỉ có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp. Chẳng hạn, đối với ngành điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ đạt 5%; ngành dệt may mới đạt khoảng 40 - 45%...
Tôi cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp là bởi chúng ta đang thiếu những doanh nghiệp đầu tàu để sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh. Chẳng hạn, với VinFast, họ sản xuất ô tô sẽ cần có gioăng, lốp, ốc vít… Nếu các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đáp ứng được các chi tiết đó sẽ tạo thành một hệ sinh thái, qua đó tăng tỷ lệ nội địa hóa. Và khi có nhiều doanh nghiệp như VinFast thì sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp linh kiện lốp, gioăng… cùng phát triển, và ngành công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ phát triển theo.
Việc liên kết với các doanh nghiệp FDI rất quan trọng. Song, thực tế là khi doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thì cũng kéo theo nhà cung cấp của họ, doanh nghiệp Việt muốn vào chuỗi cung ứng đó là không đơn giản. Chúng ta cũng có nhiều chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, nhưng sản xuất ra thì bán cho ai cũng là cả một vấn đề. Bởi vậy, nếu chúng ta có được những doanh nghiệp đầu tàu, mang tính dẫn dắt, sản xuất ra hàng hóa mà cần đến các linh phụ kiện thì cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mới rõ ràng hơn, khi đó cũng sẽ giảm được chi phí vận chuyển, chi phí liên quan xuất nhập khẩu… làm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của Việt Nam. Phải phát triển dựa trên nội tại của nền kinh tế thì công nghiệp mới bền vững!
Xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp dẫn đầu
- Đề cương dự thảo Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm đang được Bộ Công Thương xây dựng có đề cập đến việc “phát triển các doanh nghiệp dẫn đầu”. Ông kỳ vọng gì vào nội dung này?
- Tôi rất tán thành cách đặt vấn đề như vậy của đề cương dự thảo Luật. Bởi như đã nói ở trên, khi phát triển được những doanh nghiệp dẫn đầu thì chắc chắn sẽ tạo ra sự lan tỏa đối với các doanh nghiệp khác để cùng phát triển.
Hiện, chúng ta đang có những doanh nghiệp quy mô lớn, có đóng góp đáng kể trong nền kinh tế cũng như kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, có tiềm năng phát triển và mở rộng thương hiệu ra thị trường quốc tế ở cả khu vực Nhà nước lẫn khu vực tư nhân. Vấn đề quan trọng là phải có cơ chế chính sách để họ yên tâm phát triển lâu dài. Do đó, dự thảo Luật cần làm rõ các quy định để thúc đẩy các doanh nghiệp này lớn mạnh hơn nữa, kể cả những cơ chế mới, vượt trội; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của họ trong xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị với các hạt nhân là doanh nghiệp nội địa khác.
Việc xây dựng được các doanh nghiệp mang tính dẫn đầu là rất quan trọng. Nhưng theo tôi, muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, vấn đề mang tính tiên quyết là phải hoàn thiện và ổn định quy hoạch, xác định rõ vùng nào phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành gì, từ đó có các cơ chế chính sách đi kèm. Nếu không có quy hoạch dựa trên tiềm năng, lợi thế, hoặc có nhưng thiếu ổn định, chúng ta sẽ khó phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách bài bản, bền vững.
- Xin cảm ơn ông!