Vụ tội phạm công nghệ đánh cắp 14,6 tỷ đồng trong tài khoản: Tòa tuyên ngân hàng không phải bồi thường, lỗi thuộc về khách hàng

Toà phúc thẩm đánh giá, theo đơn tố cáo của bà Chúc về hai đối tượng lừa đảo có thể thấy lỗi của bà Chúc khi cài đặt các phần mềm độc hại mà họ yêu cầu, "gián tiếp cung cấp" cho chúng tên đăng nhập, mật khẩu, OTP để giao dịch Techcombank Mobile. Việc bị kẻ gian lấy hết tiền "hoàn toàn do lỗi của bà".

Chiều 2.7, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm hai vụ kiện giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Chúc, 50 tuổi, trú thành phố Từ Sơn, và hai ngân hàng: TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Vụ án với bị đơn là Techcombank được tòa xét xử trước. Theo hồ sơ vụ án, tháng 4.2022 bà Chúc đến Techcombank chi nhánh thành phố Từ Sơn mở tài khoản, sau đó cùng người nhà chuyển hơn 14,6 tỷ đồng song không nhận được tin nhắn báo biến động số dư. Ba hôm sau, đến ngân hàng kiểm tra, bà được thông báo số dư bằng 0.

Theo đơn trình báo công an, bà Chúc cho hay bị hai người tự xưng cán bộ công an gọi điện thoại nói bà bị cáo buộc gây tai nạn giao thông, liên quan mua bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu phải mở tài khoản tại Techcombank và Vietcombank, chuyển tổng hơn 26,5 tỷ đồng. Bà được yêu cầu cài phần mềm bảo mật để "chứng minh tiền trong sạch"; mua điện thoại khác để liên lạc qua Viber với công an.

Phần mềm này sau đó được cơ quan điều tra xác định có thể can thiệp, xử lý và thay đổi nhiều thông tin như vị trí, lịch sử, danh bạ, tin nhắn....

Bà Chúc cáo buộc nhân viên Techcombank không hướng dẫn, tư vấn cho bà các thông tin bảo mật dữ liệu; "vô cảm, thờ ơ" khi bà báo mất tiền và không có biện pháp báo cáo, ngăn chặn phong tỏa để chặn kẻ lừa đảo tẩu tán tiền...

Tòa sơ thẩm đánh giá Techcombank có "một phần lỗi", tuyên buộc bồi thường cho bà Chúc 800 triệu đồng. Cả ngân hàng và khách hàng cùng kháng cáo phán quyết này, VKS cũng kháng nghị.

Tại phiên phúc thẩm, nhân viên Techcombank trực tiếp mở tài khoản cho bà Chúc vắng mặt. Tuy nhiên, lời khai trước đó của nhân viên này và thông tin từ đại diện Techcombank cùng khẳng định đã tư vấn đủ, rõ các quy định, hướng dẫn thủ tục mở và sử dụng tài khoản cho khách hàng. Khi xảy ra sự cố, họ đã đảm bảo làm đúng ba bước: tư vấn cho khách tạm khóa tài khoản; khuyến cáo báo công an và tích cực phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra để truy tìm kẻ lừa đảo.

Đối chất trước toà, bà Chúc cho biết "không được tư vấn gì" khi mở tài khoản, toàn bộ cuộc làm việc trong chưa đến 10 phút. "Tôi chỉ đến yêu cầu mở tài khoản, sau đó nhân viên tự điền hết thông tin, tự tick vào các dịch vụ, trong đó có chuyển tiền qua internet banking", bà nói.

Bà cho rằng với những thiệt hại liên quan đến chuyển tiền qua internet banking, ngân hàng phải bồi thường toàn bộ do đây là dịch vụ bà không yêu cầu.

Đại diện Techcombank đáp: Theo luật, không bắt buộc khách hàng tự điền thông tin, nhân viên nhà băng có thể giúp làm điều này, sau đó đưa cho khách đối chiếu, rà soát và chắc chắn, chỉ tick vào các dịch vụ mà khách đăng ký. Khách đọc rà soát lại, sau đó mới ký vào trang 3, nơi đã có dòng chữ: "Tôi xác nhận đã đọc, hiểu rõ, đồng ý và cam kết thực hiện các nội dung, điều khoản điều kiện mở tài khoản và sử dụng dịch vụ tài khoản tại Techcombank"...

Do đôi bên mâu thuẫn quan điểm "nhân viên Techcombank có tư vấn cho bà Chúc khi mở tài khoản không", luật sư của bà đề nghị tòa phát video hôm bà Chúc đến mở tài khoản để đối chất "giờ nào phút nào, tư vấn gì?".

Tuy nhiên, Techcombank cho hay đã trình chiếu tại phiên sơ thẩm nên lần này không mang dữ liệu video theo. Video hơn nữa chỉ có hình, không có tiếng. Phía HĐXX phúc thẩm thông báo không phát lại phần này.

Trước lập luận của luật sư "Techcombank chỉ nói đã tư vấn thông tin đủ, nhưng lại không thể chứng minh nên được coi là chưa tư vấn", đại diện nhà băng này đáp: "Nguyên đơn đang cáo buộc ngân hàng không tư vấn nên trách nhiệm chứng minh phải thuộc về nguyên đơn, chứ đừng bắt chúng tôi đưa ra căn cứ".

HĐXX dừng phần đôi bên hỏi nhau và đưa ra nhiều câu hỏi với bà Chúc. Nguyên đơn cho hay trước Techcombank đã có tài khoản tại hai ngân hàng khác, từng thao tác chuyển tiền qua internet banking. Toà hỏi: "Ai bảo mở tài khoản, chuyển tiền vào, ai bảo cài phần mềm bảo mật, tại sao không quen biết họ nhưng vẫn làm theo", bà cho hay "quá lâu, không nhớ".

"Thế có phải vì hai người tự xưng công an đấy yêu cầu nên chị mới đi mở tài khoản không?", HĐXX hỏi. Nguyên đơn đáp: "Tôi nghĩ tiền đã ở ngân hàng mà người khác không có sự đồng ý của tôi thì không rút được. Tôi nghĩ tiền để ngân hàng an toàn, họ bảo mật tốt, thì tôi mở thôi chứ không ai xui".

Tòa khi này phân tích, nguyên đơn "ít nhất đã có kinh nghiệm" mở tài khoản ngân hàng, từng chuyển tiền qua điện thoại, không thể nói là không biết gì, nhân viên bảo gì ký đó mà không đọc. "Khi chị quản lý tốt điện thoại và tài khoản, không ai lấy được tiền của chị", HĐXX nói.

Tại phiên toà, Luật sư Lê Ngọc Hà, bảo vệ quyền lợi cho bà Chúc, cho rằng nếu nhân viên Techcombank thực hiện đúng và đủ trách nhiệm khi tiếp xúc, tư vấn thủ tục mở tài khoản mới, hướng dẫn sử dụng tài khoản an toàn, bảo mật thông tin, cảnh báo thủ đoạn của kẻ gian ... để khách hiểu, nắm bắt thì bà Chúc sẽ không bị kẻ xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết để lừa đảo.

Hành vi này của nhân viên ngân hàng, theo luật sư, đã vi phạm ít nhất hai điều 21 và 52, Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng: Không khuyến cáo cho người sử dụng về nguyên tắc, phạm vi sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng; Không hướng dẫn khách hàng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trên Internet.  "Trách nhiệm phải làm mà không làm, là có lỗi", luật sư nêu quan điểm.

Theo luật sư, ngân hàng khi có sự cố phải xử lý và báo cáo Ngân hàng nhà nước, tại vụ án này, Techcombank cho rằng đã báo cáo nhưng không xuất trình được văn bản chứng minh, là "cố tình giấu giếm lỗi".

"Nếu lỗi được báo kịp thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các biện pháp chỉ đạo các ngân hàng liên quan chặn dòng tiền, không cho kẻ gian tẩu tán. Techcombank đáng ra phải hành động kịp thời, biết có người trộm tiền phải chạy theo truy đuổi, chứ cả tuần cả tháng sau mới báo cáo thì có được gọi là kịp thời và đúng trách nhiệm? Khách mất tiền thì kệ khách à?", luật sư nói.

Với quan điểm của Techcombank về việc "khách mất tiền hoàn toàn do khách, không liên quan ngân hàng", luật sư cho rằng "ngân hàng nào cũng phủ nhận trách nhiệm, nói không liên quan đến sự an toàn của tiền trong tài khoản của khách thì lâu dần còn ai dám tin nữa".

Tranh luận lại, Techcombank khẳng định làm đúng trách nhiệm theo quy định pháp luật về tổ chức cung ứng dịch vụ. Còn bà Chúc chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật và điều khoản ngân hàng khi mở tài khoản; về việc bảo mật thông tin tài khoản, quản lý số dư...

Về việc Techcombank có trách nhiệm bảo vệ tiền của khách không, đại diện nhà băng nói "cả ngân hàng và khách đều có trách nhiệm như nhau". Riêng trường hợp này, Techcombank làm đúng trách nhiệm nhưng khách lại không thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi "tự ý cài đặt phần mềm vào điện thoại".

Vị đại diện viện dẫn kết luận của cơ quan điều tra "chính hành vi này gây ra việc khách mất quyền truy cập điện thoại, dẫn đến mất tiền", từ đó Techcombank cho rằng "mất tiền hoàn toàn do lỗi của khách".

VKS sau đó nêu quan điểm: Đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của Techcombank, tuyên ngân hàng không phải bồi thường cho bà Chúc.

HĐXX xác định lỗi hoàn toàn của khách hàng

Sau 10 phút nghị án, HĐXX đánh giá dù thời điểm mở tài khoản, bà Chúc không được biết nội dung các điều kiện điều khoản được coi là Hợp đồng và có giá trị ràng buộc các bên trên website của Techcombank nhưng đã được nhân viên ngân hàng giải thích cơ bản. Do đó, bà khi đặt bút ký "cần phải biết và buộc phải biết" về các điều khoản này.

Theo toà phúc thẩm, bản án sơ thẩm đánh giá "việc bà Chúc không biết các điều khoản này là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến mất tiền" là không có căn cứ.

Về quá trình sử dụng dịch vụ, HĐXX đánh giá: Qua video tại ngân hàng, bà Chúc đưa điện thoại về phía giao dịch viên" một thời gian đủ để trợ giúp tải app kích hoạt tài khoản, phương thức xác nhận giao dịch. Bà dùng mật khẩu tạm thời để đăng nhập, đổi mật khẩu thành công và rời đi. Bà có 29 phút để thực hiện giao dịch.

Tòa do đó đánh giá lời khai của bà Chúc "không được đọc lại hợp đồng, không được cài đặt và kích hoạt ứng dụng vào điện thoại" là không phù hợp.

Techcombank đã cung cấp cho bà Chúc các yếu tố định danh (tên truy cập, số điện thoại, mật khẩu, mã số bí mật dùng một lần, mã OTP để kích hoạt và sử dụng Techcombank mobile...). Sau đó, bà Chúc đã thao tác để hủy sử dụng trên điện thoại iPhone và đăng ký trên thiết bị khác để sử dụng (theo yêu cầu của hai người tự xưng công an).

Theo quy tắc chuyển khoản tại Techcombank, chỉ bà Chúc biết mã OTP và mật khẩu đăng nhập để chuyển tiền, do vậy việc đăng nhập bằng mật khẩu do chính mình thiết lập thể hiện ý chí chủ quan của bà. Giao dịch được coi là hợp lệ theo pháp luật và Techcombank, bản án phúc thẩm nêu.

Toà phúc thẩm đánh giá, theo đơn tố cáo của bà Chúc về hai đối tượng lừa đảo có thể thấy lỗi của bà Chúc khi cài đặt các phần mềm độc hại mà họ yêu cầu, "gián tiếp cung cấp" cho chúng tên đăng nhập, mật khẩu, OTP để giao dịch Techcombank Mobile. Việc bị kẻ gian lấy hết tiền "hoàn toàn do lỗi của bà".

Khi người thân chuyển tiền vào tài khoản, bà Chúc không chủ động thường xuyên kiểm tra số tiền đã nhận, từ đó "tạo điều kiện" cho kẻ lừa đảo chuyển tiền của bà đi tài khoản khác. "Nếu thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản, bà sẽ sớm phát hiện hành vi lừa đảo để có các biện pháp kịp thời ngăn chặn giảm thiểu thiệt hại", bản án nêu.

Tòa tuyên bác kháng cáo của bà Chúc, chấp nhận kháng cáo của Techcombank và kháng nghị của VKS. Điều này đồng nghĩa, Techcombank không phải bồi thường bất cứ số tiền nào trong 14,6 tỷ đồng khách bị mất, do được tòa xác định "không có lỗi".

Ngay sau tuyên án vào cuối giờ chiều 2.7, HĐXX chuyển sang xét xử vụ kiện thứ hai với bị đơn là Vietcombank. 

Pháp luật

Tuyên truyền bằng loa di động có tác dụng trực tiếp, thiết thực, dễ nghe, dễ hiểu. Ảnh: ITN
Pháp luật

Tiền Giang: Phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn

Với các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật áp dụng đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, các mô hình hiệu quả tại tỉnh Tiền Giang đã góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống xã hội.

Thay đổi từ tư duy, nhận thức đến cách làm
Pháp luật

Thay đổi từ tư duy, nhận thức đến cách làm

Theo TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), đó là thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm. Đây cũng chính là động lực, cơ hội cho Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; trong đó, PBGDPL nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: ITN
Pháp luật

Phổ biến giáo dục pháp luật tại Sóc Trăng: Hiệu quả từ mô hình hay, cách làm mới

Những năm qua, công tác Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được quan tâm triển khai theo hướng đổi mới, gắn với xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Qua đó, tạo chuyển biến căn bản trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng vũ trang quân đội tuyên truyền vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại bản Khá Nghịu, xã Púng Bánh
Pháp luật

Đối tượng nào, hình thức ấy

Với phương châm "đối tượng nào, hình thức ấy", nội dung tuyên truyền pháp luật gắn với đời sống người dân; hình thức tuyên truyền phong phú và đa dạng; lực lượng quân đội trên địa bàn huyện Sốp Cộp (Sơn La) đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027" (Đề án 1371), bước đầu tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân trên địa bàn.

Khảo sát thực hiện Đề án 1371 tại Tây Ninh
Pháp luật

Khảo sát thực hiện Đề án 1371 tại Tây Ninh

Đoàn khảo sát thực hiện Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027" (Đề án 1371) Bộ Quốc phòng do Đại tá Phạm Đức Hoài làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Tây Ninh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh.

Nguồn ảnh: ITN
Giải đáp pháp luật

Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội có được hưởng trợ cấp một lần khi ra nước ngoài định cư không?

Từ 1.7.2025, người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng nếu ra nước ngoài để định cư có được hưởng trợ cấp một lần không? Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp một lần đối với người ra nước ngoài định cư? – Câu hỏi của bạn Minh Thùy (Hà Tĩnh).

Tủ sách pháp luật - mô hình nhỏ, hiệu quả lớn
Pháp luật

Tủ sách pháp luật - mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

Thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật; Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Quốc phòng đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, sát thực tiễn Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg; qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, người lao động về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả tủ sách pháp luật trong toàn quân.

Chuyển đổi số đưa pháp luật đến gần với người dân
Tin tức

Chuyển đổi số đưa pháp luật đến gần với người dân

Theo Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái, nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực quản lý, Sở đã tiên phong trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật và xây dựng một xã hội văn minh.