Cải tiến đổi mới công tác tuyển dụng
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đại dịch Covid-19... đã và đang tạo ra những thay đổi lớn trên bình diện toàn cầu, đặt các ngân hàng Việt Nam nói chung cũng như Vietcombank nói riêng trước những cơ hội và thách thức to lớn, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới và chuyển đổi trong hoạt động. Từ yêu cầu thực tiễn trong hoạt động kinh doanh của mình, trên cơ sở Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành, Vietcombank đã chủ động xây dựng Chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu có đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Để có thể hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược này, nguồn nhân lực chất lượng cao vừa được xem là chủ thể, vừa là một trong những động lực phát triển chính của Vietcombank.
Hiện nay, Vietcombank đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thay đổi mô hình hoạt động từ phương thức truyền thống sang hoạt động ngân hàng số. Ngân hàng đã chính thức triển khai Chương trình hành động chuyển đổi với 3 giai đoạn và 4 trụ cột gồm: số hóa (digital), dữ liệu (data), công nghệ (technology) và chuyển đổi (transformation), tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, phát triển nguồn nhân lực số và cải tiến quy trình nghiệp vụ.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với quá trình chuyển đổi số, Vietcombank đã có các chính sách thu hút, tuyển dụng và bổ nhiệm một số chuyên gia người nước ngoài giàu kinh nghiệm vào một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của khối Công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đồng thời, ưu tiên tuyển dụng và xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, cán bộ số hóa có trình độ chuyên môn giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại. Vietcombank cũng đã triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách bài bản để họ có đủ năng lực, tư duy đổi mới sáng tạo, phương thức làm việc linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ.
Triển khai các dự án về quản trị nguồn nhân lực
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển bền vững nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu quản trị nguồn nhân lực theo thông lệ quốc tế, một số dự án về nhân sự đã và đang được Vietcombank triển khai như: Xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến (Dự án E-Learning); xây dựng chương trình phần mềm quản lý nhân sự mới (Dự án HCM); khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng nội bộ và mức độ gắn kết của cán bộ nhân viên (Dự án ICS và EES); xây dựng và áp dụng khung năng lực đối với các vị trí công việc tại Vietcombank (Dự án Khung năng lực);…
Dự án E-Learning đã hoàn thành và được triển khai áp dụng trong toàn hệ thống từ năm 2019 giúp Vietcombank đa dạng hóa phương thức đào tạo, tăng cường số hóa bài giảng và gia tăng tỷ trọng đào tạo trực tuyến, tạo dựng không gian học tập mở, giúp học viên chủ động, linh hoạt lựa chọn nội dung học tập phù hợp, giúp Vietcombank tiết kiệm chi phí và nguồn lực triển khai đào tạo.
Với việc đưa Chương trình phần mềm quản lý nhân sự mới vào sử dụng theo kết quả Dự án HCM, Vietcombank đã “số hóa” các quy trình hoạt động quản trị và phát triển nguồn nhân lực với cơ sở dữ liệu tập trung, thông tin toàn diện và đa chiều.
Đối với Dự án ICS và EES, việc khảo sát đánh giá được Vietcombank thực hiện hàng năm. Kết quả khảo sát là cơ sở để Ban Lãnh đạo Vietcombank hoạch định kế hoạch, có các chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ nội bộ, tăng cường mức độ gắn kết của người lao động trong toàn hệ thống.
Dự án Khung năng lực vừa được Vietcombank tổ chức lễ khởi động dự án vào ngày 4.8.2022. Đây là một dự án lõi, dự án trọng điểm của Vietcombank nói chung và của Khối Nhân sự nói riêng với phạm vi, khối lượng công việc và mức độ ảnh hưởng rất lớn, có tác động đến tất cả các vị trí và các đơn vị trong hệ thống Vietcombank.
Khung năng lực bắt đầu được Vietcombank áp dụng từ năm 2018 theo kết quả của Dự án CTOM. Tuy nhiên, lúc đó mới chỉ có khung năng lực cốt lõi và năng lực chuyên môn xây dựng cho một số vị trí trong mô hình tín dụng bán buôn với mục đích chủ yếu nhằm sắp xếp lại cán bộ tại các đơn vị liên quan cho phù hợp theo mô hình CTOM.
Thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2025 Vietcombank trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực, một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đó là xây dựng khung năng lực (bao gồm năng lực cốt lõi, năng lực chuyên môn và năng lực lãnh đạo) cho tất cả các vị trí công việc trong toàn hệ thống; xây dựng nguyên tắc, phương pháp, công cụ đánh giá năng lực. Trên cơ sở bộ khung năng lực và công cụ đánh giá năng lực đã xây dựng, Vietcombank sẽ triển khai đánh giá năng lực của nhân sự hiện có, từ đó đưa ra các báo cáo và đề xuất biện pháp để thu hẹp khoảng trống năng lực và áp dụng khung năng lực trong công tác quản trị nguồn nhân lực một cách đồng bộ, thống nhất. Đây chính là phạm vi công việc của Dự án Khung năng lực đã được Vietcombank chính thức triển khai từ tháng 8.2022.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Lãnh đạo Vietcombank, sự đồng hành của đơn vị tư vấn KPMG - một trong những nhà cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, có đội ngũ chuyên gia toàn cầu đồng thời đã có kinh nghiệm hợp tác và hiểu biết về Vietcombank nên dự án sẽ được triển khai một cách tốt nhất, đảm bảo chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ.
Kết quả của Dự án Khung năng lực sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy chuyển đổi toàn diện công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực tại Vietcombank thời gian tới trên tất cả các phương diện, từ việc xây dựng bộ mô tả công việc, chuẩn hóa các chức danh, xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp đến tuyển dụng, đào tạo và phát triển, đánh giá hiệu quả công việc, cơ chế tiền lương và chế độ đãi ngộ, quản lý nhân tài…