Nghị viện và cuộc chiến chống tham nhũng

Thiết kế và thực thi pháp luật về chống tham nhũng

- Chủ Nhật, 10/07/2022, 06:28 - Chia sẻ

Một yếu tố thiết yếu trong việc kiểm soát tham nhũng của cơ quan lập pháp và một lĩnh vực mà nghị viện có thể có tác động trực tiếp chính là việc thiết kế và thực thi pháp luật về chống tham nhũng.

Nguồn: ITN

Quy định pháp luật về chống tham nhũng có vai trò như một nhân tố răn đe đối với những người nhận cũng như người chi các khoản tiền tham nhũng. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt phải áp dụng cho cả hai bên với mức độ tương ứng với các khoản thu nhập từ các hành vi tham nhũng.

Bản thân quy định pháp luật về chống tham nhũng cũng chỉ là một công đoạn; một bộ máy thi hành luật pháp đủ mạnh là hết sức quan trọng nhằm bảo đảm việc răn đe và phát hiện tham nhũng. Một hệ thống tư pháp và công tố độc lập có vai trò tối quan trọng, còn một số nước đã thiết lập thành công các ủy ban chống tham nhũng độc lập hoặc các tổng thanh tra có nhiệm vụ báo cáo trước nghị viện.

Để xây dựng một chiến lược hoặc pháp luật chống tham nhũng thành công, rất cần phải có cách tiếp cận rộng mở. Các lĩnh vực dưới đây đã được tổ chức Minh bạch Quốc tế xác định trong việc chống tham nhũng.

Các quy định của luật dân sự và/hoặc hình sự: Những quy định này điều chỉnh các tội đưa hối lộ và tham nhũng và quy định các hình phạt. Tham nhũng cần được điều chỉnh như một tội ở cả dạng chủ động và bị động và cần phải bao trùm tham nhũng cả trong lĩnh vực công cũng như tư nhân. Các tội thuộc phạm vi luật hình sự cần đi kèm các quy định về tố tụng hình sự đầy đủ quy định việc phát hiện, điều tra và truy tố các trường hợp như vậy. Nhóm thứ nhất này thường có trong các bộ luật dân sự/hình sự của các nước.

Các luật chống tham nhũng cụ thể: Những luật này ngày càng được thông qua nhiều trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia chuyển đổi, nơi đang cải cách toàn bộ hệ thống pháp luật và các luật mới được ban hành để thay thế các quy định lỗi thời. Các luật này có thể tạo khuôn khổ cho một loạt hoạt động ngăn chặn và thực thi, cũng như việc thiết lập các cơ quan và thể chế chống tham nhũng đặc biệt. Các kinh nghiệm so sánh quốc tế về các luật như vậy đang được chú ý, cần được tham khảo trước hoặc trong suốt quá trình soạn thảo.

Các quy định pháp luật khác: Đây là những luật điều chỉnh các vấn đề như tiếp cận thông tin, xung đột lợi ích, bảo vệ những người tố cáo, tự do ngôn luận và tự do báo chí. Những quy định pháp luật đó cũng quan trọng không kém so với các luật trực tiếp điều chỉnh các tội tham nhũng. Nếu có hiệu lực, chúng có thể đóng vai trò như một nhân tố răn đe quan trọng đối với tham nhũng và đóng góp vào một môi trường mà trong đó các giải pháp khác có thể được phát triển.

Khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh: Nói tóm lại, để các luật cụ thể có hiệu lực, chúng cần được xem xét trong một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh. Toàn bộ luật đó cần vượt ra ngoài giới hạn các quy định của luật hình sự truyền thống và đặt ra khuôn khổ pháp lý cho việc ngăn chặn, trừng phạt và giải quyết tham nhũng.

Hoài Thu