Nghị viện và cuộc chiến chống tham nhũng

Lập pháp - thanh gươm sắc bén

- Chủ Nhật, 10/07/2022, 05:50 - Chia sẻ

Một hệ thống pháp luật lành mạnh có ý nghĩa thiết yếu trong cuộc chiến chống tham nhũng và chính trong lĩnh vực này các cơ quan lập pháp có cơ hội tốt nhất để chống tham nhũng. Các công cụ lập pháp được ví như thanh gươm quyền lực, giúp bảo đảm chống tham nhũng mạnh mẽ.

Thông qua pháp luật về chống tham nhũng

Một yếu tố thiết yếu trong việc kiểm soát tham nhũng của cơ quan lập pháp và một lĩnh vực mà nghị viện có thể có tác động trực tiếp chính là việc thiết kế và thực thi pháp luật về chống tham nhũng. Ủy ban Hành chính và Tư pháp của Nghị viện Lebanon phối hợp với Ban Phòng chống tham nhũng của Hội luật sư đã thẩm tra luật bảo vệ người tố cáo, trong đó tăng cường thẩm quyền và vai trò của cơ quan phòng chống tham nhũng quốc gia.

Theo khuyến nghị của Tổ chức phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) và Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), cơ quan lập pháp có thể bảo đảm chống tham nhũng mạnh mẽ bằng cách tập trung vào một số lĩnh vực như: Hình sự hóa các hành vi tham nhũng, đặc biệt, đưa các điều khoản vào bộ luật hình sự, luật hành chính và các lĩnh vực luật khác nhằm giảm phạm vi tham nhũng và các hành vi phạm tội liên quan, đồng thời đưa ra các hình phạt có thể răn đe những tội phạm tiềm tàng; quy định cho phép truy tố bắt giữ, phong tỏa và sung công các khoản thu nhập bất hợp pháp có được từ tham nhũng; yêu cầu quan chức thường xuyên kê khai tài sản; xác định, ngăn chặn và giải quyết vấn đề xung đột lợi ích; ban hành những quy định bảo vệ những người tố cáo tham nhũng…

Cách đây vài năm, 50 nghị sĩ Sudan tuyên bố thành lập Tổ chức của các nghị sĩ chống tham nhũng. Những nghị sĩ này vận động Nghị viện và Chính phủ phê chuẩn Công ước chống tham nhũng của LHQ, cam kết chống tham nhũng, minh bạch và liêm chính. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định liên quan đến phòng chống tham nhũng, nhất là luật hình sự, các luật về ngân sách, luật về làm giàu bất chính của quan chức.

Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình

Một vài biện pháp là những phương thức trực tiếp để giải quyết tham nhũng, bao gồm việc hình sự hóa, xung đột lợi ích…, nhưng một số biện pháp có tác dụng gián tiếp. Cải thiện việc tiếp cận thông tin cho phép cả các nghị sĩ lẫn các công dân đưa ra các quyết định tốt hơn về phân bổ ngân sách, cải thiện việc cung cấp dịch vụ…, đồng thời cho phép có được trách nhiệm giải trình chiều dọc cao hơn, dẫn tới mối quan hệ tích cực và nhanh nhạy hơn giữa các nghị sĩ và công dân. Thúc đẩy việc thông qua luật về tự do thông tin, buộc Chính phủ phải công khai các thông tin được coi là cần thiết cho hoạt động của Nghị viện, đặc biệt là trong việc điều tra các vụ tham nhũng.

Cơ quan lập pháp cũng thông qua những đạo luật nhằm cải thiện việc tiếp cận thông tin (cho phép các công dân thu nhận thông tin từ nhà nước); quy định việc thực thi các quyền được quy định trong hiến pháp về tự do ngôn luận và tự do lập hội; minh định các nguyên tắc cơ bản đối với việc đưa ra quyết định trong quản lý công (tính khách quan, không thiên vị, bình đẳng, nghĩa vụ giải trình và quyền được kháng án); nâng cao tính minh bạch trong mua sắm tài sản công.

Tháng 5.2011, Quốc hội Tunisia thông qua luật về tự do thông tin, mới chỉ là nước thứ hai trong khu vực thông qua luật này. Theo đó, luật thúc đẩy sự tham gia của công dân vào quy trình chính sách như xây dựng ngân sách với sự tham gia đóng góp ý kiến của công dân, các diễn đàn xã hội dân sự, các công cụ phân tích chi tiêu có sự tương tác. Đây là bước tiến quan trọng của nước này trong quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ và đóng vai trò lớn trong việc khắc phục thói quen giữ bí mật của các cơ quan công quyền.

Tiếp đó, một khi đã ban hành quy định pháp luật, cần phải tiếp tục việc giám sát tham nhũng và cập nhật quy định pháp luật đó nhằm bảo đảm các quy định vẫn còn phù hợp, giảm sự nhập nhằng và thiếu nhất quán. Nghiên cứu toàn cầu cho biết hiện 13 nước có công cụ rà soát xem liệu luật pháp của họ có đang ẩn chứa những rủi ro tạo kẽ hở cho tham nhũng không, một số nước khác đang có dự định áp dụng các công cụ đó. Ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi chưa có nước nào sử dụng công cụ này, nhưng một số nước như Morocco có Hiến chương nghị viện chống tham nhũng, hoặc Quốc hội Tunisia tiến hành đánh giá khuôn khổ pháp lý liên quan đến phòng chống tham nhũng cũng như cải cách pháp lý nói chung.

Các cuộc khủng hoảng ở nhiều nước phần lớn là do luật không được thực thi tốt. Trong số các yếu tố để làm điều này, cần có các cơ quan thực thi pháp luật đủ năng lực, nguồn lực, nếu không thì chỉ là những con hổ giấy. Quốc hội Kuwait đã chấp thuận thành lập một ủy ban có nhiệm vụ điều tra việc từ chức của các thành viên Ủy ban minh bạch quốc gia, những nguyên nhân khiến cho vị trí của Kuwait tụt hạng trong Chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu.

Các yếu tố nêu trên thúc đẩy các giá trị phục vụ cuộc chiến chống tham nhũng, bởi lẽ chúng cho phép các nghị sĩ có thể yêu cầu nhánh hành pháp phải giải trình, đồng thời cho phép công dân buộc nghị viện phải chịu trách nhiệm giải trình. Do đó, điều này cũng cho phép nâng cao chất lượng của mối quan hệ tương tác giữa công dân và các cơ quan nhà nước, đồng thời bảo đảm sự phát triển của một Chính phủ có trách nhiệm và phản ứng nhanh nhạy.

Nói cách khác, các quy định pháp luật nêu trên thúc đẩy các giá trị phục vụ cuộc chiến chống tham nhũng có vai trò quan trọng, bởi lẽ chúng cho phép các nghị sĩ có thể yêu cầu nhánh hành pháp phải giải trình, đồng thời cho phép công dân buộc nghị viện phải chịu trách nhiệm giải trình. Do đó, điều này cũng cho phép nâng cao chất lượng của mối quan hệ tương tác giữa công dân và các cơ quan nhà nước, đồng thời bảo đảm sự phát triển của một Chính phủ có trách nhiệm và phản ứng nhanh nhạy.

Những đạo luật tiêu biểu

Kenya: Nghị viện đã thông qua Luật Chống tham nhũng và các tội phạm kinh tế và Luật Đạo đức công chức năm 2003, điều chỉnh việc lạm dụng chức vụ, xung đột lợi ích, gia đình trị, sử dụng sai và ăn cắp tài sản công. Quy chuẩn đạo đức cũng bao gồm quy định về kê khai tài sản và các khoản nợ, áp dụng đối với tất cả công chức, bao gồm cả Tổng thống. Các công chức không tuân thủ phải đối mặt với một số các hình phạt được thực thi thường xuyên.

Vương quốc Anh: Có truyền thống pháp luật chống tham nhũng lâu đời, kể từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 1889 ra đời. Tuy nhiên, cần phải cập nhật các quy định pháp luật này để phù hợp với môi trường tham nhũng hiện tại. Năm 2001, Nghị viện đã thông qua Luật An ninh, tội phạm, chống khủng bố, trong đó có một tội mới về lạm dụng chức vụ, được Ủy ban về chuẩn mực đời sống công cộng kiến nghị.

Malaysia: Đã thiết lập Ủy ban Chống tham nhũng, người đứng đầu Ủy ban do Vua cùng với Thủ tướng lựa chọn. Ủy ban chịu trách nhiệm: tiếp nhận và xem xét bất cứ báo cáo nào của Ủy ban về một tội phạm theo luật định và điều tra các báo cáo mà Ủy ban thấy là phù hợp; phát hiện và điều tra bất cứ vi phạm khả nghi nào, bất cứ nỗ lực khả nghi nào nhằm phạm bất cứ tội nào theo luật định và bất cứ sự đồng lõa khả nghi nào nhằm phạm bất cứ tội nào theo luật định; kiểm tra các thông lệ làm việc, các hệ thống và quy trình của các cơ quan công quyền nhằm tạo thuận lợi cho việc phát hiện các vi phạm theo luật định và bảo đảm việc xem xét lại các thông lệ, hệ thống hoặc quy trình đó mà Tổng Giám đốc coi là có thể tạo thuận lợi cho tham nhũng; hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ bất cứ ai theo yêu cầu của người đó về các cách thức mà người đó có thể loại trừ tham nhũng; tư vấn cho những người đứng đầu các cơ quan công quyền về bất cứ sự thay đổi nào trong thông lệ làm việc, hệ thống hoặc quy trình phù hợp với việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của các cơ quan công quyền mà Tổng Giám đốc cho là cần thiết nhằm giảm khả năng xảy ra tham nhũng; giáo dục dân chúng chống lại tham nhũng; và hình thành và phát triển sự ủng hộ của công chúng trong việc chống tham nhũng.

CHDCND Lào: Khung pháp lý về chống tham nhũng ở Lào gồm: Luật Chống tham nhũng số 27 (2012); Luật Hình sự số 142/PO (2005); Luật Tố tụng hình sự số 17/NA (2012); Luật Chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố số 50/NA (2014); Nghị định về Tuyên bố tài sản số 159 (2013).

Luật Chống tham nhũng của Lào điều chỉnh những hành vi sau đây: Tham ô tài sản nhà nước hoặc tài sản tập thể; vứt bỏ tài sản của nhà nước hoặc tài sản tập thể; hối lộ; nhận hối lộ; lạm dụng địa vị, quyền hạn và nghĩa vụ để lấy tài sản của nhà nước, tài sản tập thể hoặc tài sản cá nhân; lạm dụng tài sản nhà nước hoặc tài sản tập thể; sử dụng quá nhiều vị trí, quyền hạn và nghĩa vụ để lấy tài sản nhà nước, tài sản tập thể hoặc tài sản cá nhân; gian lận hoặc giả mạo liên quan đến kỹ thuật xây dựng, tiêu chuẩn, thiết kế, tính toán và những người khác; lừa dối trong đấu thầu; giả mạo tài liệu hoặc sử dụng tài liệu giả mạo và tiết lộ bí mật nhà nước vì lợi ích cá nhân.

Liên quan đến chống tham nhũng, Luật Hình sự cũng quy định rằng, tham nhũng liên quan đến bất kỳ nhà lãnh đạo hoặc công chức, viên chức nhà nước thực hiện các loại hành vi khác nhau để mang lại lợi ích cho bản thân, hoặc gia đình, họ hàng, bạn bè, gây thiệt hại cho lợi ích chung của nhà nước, hoặc tập thể, hoặc quyền và lợi ích của công dân.

Quỳnh Vũ
Minh Thy