Theo thống kê từ Niesen, khu vực ASEAN có khoảng 13,5 triệu người có ảnh hưởng vào năm 2023, trong khi doanh thu toàn cầu thông qua quảng cáo và các kênh khác do những người có ảnh hưởng tạo ra là khoảng 19 tỷ USD. Theo ước tính, sự đóng góp của những người có ảnh hưởng cho nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng lên 140 tỷ USD vào năm 2030.
Thái Lan đứng ở mức cao thứ 2 trong khu vực sau Indonesia, với khoảng 2 triệu người có ảnh hưởng. Tổng thư ký NESDC Danucha Pichayanan cho biết, số lượng người có ảnh hưởng ở Thái Lan đang tăng lên vì doanh thu và lợi ích sinh lợi mà nghề này mang lại, trong khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng có xu hướng sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm thông tin từ những người có quan điểm nổi bật.
Một số nghiên cứu cho thấy, những người có ảnh hưởng, người phát trực tiếp và YouTuber được xếp hạng trong số 10 nghề nghiệp mơ ước hàng đầu của thanh thiếu niên Thái Lan vào năm 2024, đứng trước cả luật sư, phi công và quan chức chính phủ. Trong khi đó, Trung tâm chống tin tức giả mạo của Chính phủ Thái Lan báo cáo rằng vào năm 2023, hơn 5.000 chủ đề tin tức giả đã được đăng bởi hơn 7.000 tài khoản mạng xã hội, bao gồm cả những tài khoản thuộc về những người có ảnh hưởng nổi tiếng. Một số người có ảnh hưởng ở Thái Lan bị phát hiện đã quảng cáo các trang web bất hợp pháp, chẳng hạn như cờ bạc trực tuyến.
Chính vì vậy, Chính phủ Thái Lan cần ban hành luật quản lý và hỗ trợ cho những người có ảnh hưởng giống như các quốc gia khác coi trọng vấn đề này. NESDC đề nghị chính phủ thiết lập hệ thống đăng ký cho những người có ảnh hưởng ở Thái Lan và ban hành các chính sách hỗ trợ cho những người làm nghề này, bao gồm cung cấp đào tạo kỹ năng và hỗ trợ khác liên quan đến nghề nghiệp.
Ông Danucha nhấn mạnh rằng, với việc ban hành các quy định và luật cụ thể dành cho những người có ảnh hưởng sẽ giúp giảm thiểu tác động trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ảnh hưởng đến doanh thu hoặc việc làm của những người có ảnh hưởng trên quy mô lớn. Quan trọng nhất, luật pháp sẽ giúp ngăn chặn những người có ảnh hưởng lan truyền tin tức giả mạo hoặc chưa được xác minh có thể gây hoang mang cho người dân.
Hiện nay, một số quốc gia đã có luật và quy định dành cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, như Trung Quốc đã ban hành quy định cấm phô trương sự giàu có và lối sống quá đắt đỏ thông qua phương tiện truyền thông trực tuyến để ngăn chặn sự bắt chước của người xem. Tại Na Uy yêu cầu những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội không được đăng những bức ảnh đã được chỉnh sửa mà không khai báo những gì họ đã làm.
Trong khi đó, tại Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất yêu cầu những người có ảnh hưởng phải đăng ký và xin giấy phép từ Hội đồng Truyền thông Quốc gia - cơ quan giám sát nội dung quảng cáo và các hoạt động bất hợp pháp trực tuyến. Vương quốc Anh cũng đang xem xét thông qua một đạo luật tương tự.