Chế tài nghiêm khắc để bảo đảm tính minh bạch

- Chủ Nhật, 05/11/2023, 13:17 - Chia sẻ

Các hình phạt trong Luật Đấu giá tài sản của một số nước có thể rất khác nhau tùy theo từng khu vực pháp lý, nhưng đều nhằm bảo đảm tính công bằng, minh bạch và tuân thủ các quy định về đấu giá tài sản.

Một số hình phạt phổ biến

Có nhiều hình phạt phổ biến được áp dụng trong pháp luật về đấu giá tài sản trên toàn thế giới. Trước hết, các quy định về việc không hoàn tất việc mua hàng. Ở nhiều khu vực pháp lý, nếu người trúng đấu giá không hoàn tất việc mua tài sản trong khung thời gian quy định, họ có thể bị mất tiền đặt cọc và phải chịu trách nhiệm về mọi tổn thất tài chính mà người bán phải gánh chịu. Chẳng hạn như ở Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh đấu giá tịch thu tài sản, nếu người thắng không hoàn tất giao dịch mua theo điều khoản mua bán, họ có thể bị mất số tiền đặt cọc, thường là tỷ lệ phần trăm của giá trúng đấu giá. Sau đó tài sản có thể được đấu giá lại và người trả giá ban đầu có thể phải đền bù tổn thất cho người cho vay hoặc chủ sở hữu tài sản.

Bài 3- Hình phạt đích đáng cho các hành vi bất hợp pháp
Hình phạt cho các hành vi bất hợp pháp. Nguồn: ITN

Các nhà đấu giá ở Anh thường yêu cầu người đấu giá phải trả phí bảo hiểm hoặc các khoản phí của người mua ngoài giá thầu trúng thầu. Nếu người đấu giá thắng cuộc và không trả các khoản phí này, họ có thể bị cấm tham gia các cuộc đấu giá trong tương lai do cùng một nhà đấu giá tổ chức. Tương tự, ở Australia, nếu người thắng cuộc trong cuộc đấu giá tài sản không hoàn tất giao dịch mua trong khung thời gian quy định, họ có thể bị mất tiền đặt cọc. Và giống như ở Mỹ, người bán cũng có thể thực hiện hành động pháp lý để thu hồi bất kỳ tổn thất tài chính bổ sung nào do người đặt giá vi phạm gây ra.

Thứ hai, nếu người tham gia đấu giá tài sản thông đồng với những người khác để thao túng giá hoặc tham gia gian lận, họ sẽ phải đối mặt với nhiều hình phạt nghiêm khắc về tài chính. Chẳng hạn như ở Canada, các hành vi trên có thể bao gồm cấm tham gia đấu giá trong tương lai và phải chịu hậu quả pháp lý theo luật chống độc quyền và cạnh tranh. Trong khi đó, ở bang New South Wales, Australia, pháp luật đấu giá quy định hai hành vi là đấu giá giả (làm hồ sơ tham dự giả tại một cuộc đấu giá) và thông đồng (thông đồng với ai đó can thiệp vào cạnh tranh tự do và công khai tại phiên đấu giá) là việc làm bất hợp pháp khi tham dự cuộc đấu giá. Cụ thể, nếu người làm hồ sơ tham dự giả cho người bán, người đó có thể bị truy tố và bị phạt lên đến 55.000 USD. Người bán tài sản, người yêu cầu trả giá cũng có thể bị phạt đến 55.000 USD. Đấu giá viên có thể bị Phòng Thương mại New South Wales xử lý kỷ luật và phạt tiền lên đến 11.000 USD. Hình phạt này áp dụng đối với đấu giá viên khi làm hồ sơ tham gia đấu giá giả. Với hành vi thông đồng dàn xếp giá thì mức phạt tiền tối đa là 55.000 USD. Bang Florida, Mỹ cũng cấm bất kỳ hành động nào liên quan đến giao dịch bán tài sản mà chứng tỏ ý đồ không tốt hoặc không trung thực; sử dụng hoặc cho phép sử dụng người tham gia đấu giá, người đại diện của đấu giá viên hoặc chủ sở hữu tham gia với mục đích nâng giá hoặc cò mồi…

Trong pháp luật của nhiều nước, việc cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về tình trạng, quyền sở hữu hoặc các chi tiết cần thiết khác của tài sản cũng có thể dẫn đến hình phạt hoặc hủy bỏ đấu giá. Chẳng hạn, việc bán một tài sản có thế chấp hoặc cầm cố không được tiết lộ có thể dẫn đến bị phạt vì nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người mua. Ở Ấn Độ, người mua có thể yêu cầu bồi thường cho bất kỳ thiệt hại nào phát sinh từ việc không tiết lộ nói trên. Tại bang Florida, Mỹ, giới thiệu sai về giá trị sử dụng, giá trị hoặc tình trạng tài sản của đấu giá viên hoặc công ty đấu giá hoặc của những đại diện hoặc được sự đồng ý của đấu giá viên là bất hợp pháp. Ngoài ra, quảng cáo sai, gian dối hoặc không trung thực; bất kỳ hành động nào liên quan đến giao dịch bán tài sản mà chứng tỏ ý đồ không tốt hoặc không trung thực là không được phép…

Thẩm quyền và hình thức xử lý 

Trong trường hợp này, lấy bang Florida, Mỹ làm ví dụ. Tại đây, Ủy ban đấu giá Florida là cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về bán đấu giá và đưa ra các hình thức xử lý kỷ luật như: từ chối chứng nhận đề nghị cấp giấy phép; thu hồi hoặc đình chỉ giấy phép; xử phạt hành chính với mức không quá 1.000 USD cho từng vi phạm hoặc mỗi vi phạm riêng lẻ; cảnh cáo; buộc đấu giá viên phải chịu sự giám sát trong một thời hạn và phải tuân theo các điều kiện được Ủy ban Đấu giá Florida quy định, bao gồm cả việc quy định đấu giá viên phải hoàn thành kỳ thi cấp giấy phép; yêu cầu người vi phạm phải bồi thường cho khách hàng mà quyền lợi bị vi phạm. Bằng chứng của việc bồi thường là giấy chứng nhận có chữ ký và chứng thực của khách hàng hoặc người đại diện cho khách hàng.

Ngoài các hình thức xử lý kỷ luật trên, cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh có quyền đề nghị tòa án quyết định hoặc đưa ra các biện pháp xử sự thích hợp khác đối với người có những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.

Về quỹ bồi thường đấu giá, cũng giống như các hoạt động nghề nghiệp khác ở Mỹ, bán đấu giá tài sản có Quỹ bồi thường đấu giá để bảo đảm khắc phục kịp thời những hậu quả phát sinh trong hoạt động bán đấu giá tài sản, bảo vệ quyền lợi cho những người bị thiệt hại. Quỹ này do Ủy ban Đấu giá Florida quản lý, được dùng Quỹ bồi thường đấu giá dùng để bồi thường cho các trường hợp bị thiệt hại. Thời hiệu của yêu cầu được bồi thường từ Quỹ bồi thường đấu giá là hai năm kể từ thời điểm xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc kể từ thời điểm hành vi đó được phát hiện hoặc phải được phát hiện…

Thái Anh
#