Câu chuyện thần kỳ tại Rwanda

- Chủ Nhật, 22/10/2023, 06:07 - Chia sẻ

Từ 55% vào năm 2008, đến thời điểm hiện tại, số nữ nghị sĩ tại Cộng hòa Rwanda đã tăng lên 61%. So với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, tỷ lệ nữ nghị sĩ của Rwanda đều cao hơn rất nhiều. Cuộc diệt chủng năm 1994 từng được coi là nỗi đau không thể nguôi ngoai nhưng cũng được coi là con đường để tiến tới bình đẳng giới tại Rwanda.

Nguồn: Gazeta dopovo
Các nữ nghị sĩ Rwanda. Nguồn: Gazeta dopovo

Điều 9, Hiến pháp năm 2003 của Rwanda ghi rõ: “Nhà nước Rwanda cam kết rằng phụ nữ được trao ít nhất 30% vị trí trong các cơ quan ra quyết định”. Điều này đã được thực hiện vô cùng nghiêm túc trong 20 năm qua tại Rwanda và sự thật còn vượt ngoài sức mong đợi của phụ nữ nơi đây.

Quốc gia đầu tiên có tỷ lệ nữ nghị sĩ áp đảo

Ngày nay, nữ giới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên chính trường. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đội ngũ đứng đầu chính phủ đều có sự xuất hiện và tham gia của nữ giới. Tuy nhiên, thực tế nam giới vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo trong phần lớn các quốc hội và chính phủ trên thế giới. Từ năm 2008, Rwanda đã trở thành quốc gia đầu tiên chứng kiến tỷ lệ nữ nghị sĩ trong Quốc hội cao hơn các nghị sĩ nam. Đây là một điều kỳ diệu ở một quốc gia châu Phi từng có nhiều quy định, hủ tục bất công đối với phụ nữ.

Lời kêu gọi bình đẳng không được dẫn dắt bởi hàng nghìn phụ nữ mà bởi một người đàn ông - Tổng thống Paul Kagame, người hiện tại đang lãnh đạo đất nước Rwanda. Tổng thống Paul Kagame nhậm chức từ năm 2000. Ba năm sau khi Paul Kagame lên nắm quyền, Hiến pháp mới của đất nước Rwanda được thông qua vào năm 2003 đã quy định rằng 30% ghế trong Quốc hội được dành cho phụ nữ.

Chính phủ cũng cam kết rằng giáo dục trẻ em gái sẽ được khuyến khích. Những phụ nữ đó sẽ được bổ nhiệm vào các vai trò lãnh đạo, như bộ trưởng chính phủ và cảnh sát trưởng. Ông Kagame thề sẽ không chỉ đơn thuần chơi trò đuổi kịp phương Tây mà đi trước nó.

Trong cuộc bầu cử năm 2003, 48% số ghế trong quốc hội Rwanda thuộc về phụ nữ. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008, phụ nữ đã chiếm 20 trong số 53 ghế được bầu trực tiếp và giành được 24 ghế khác trong cuộc bầu cử gián tiếp vào Quốc hội Rwanda. Với 44 ghế, nữ giới chiếm 55% trong quốc hội Rwanda. Phụ nữ cũng nắm một phần ba số chức vụ trong chính phủ, ghế chánh án Tòa án tối cao và chủ tịch quốc hội.

Tính tới tháng 11.2011 thì tỷ lệ nữ trong quốc hội Rwanda là 56,3%. Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) gọi Quốc hội Rwanda là cơ quan lập pháp “thân thiện” nhất với nữ giới. Sau cuộc bầu cử năm 2018, tỷ lệ nữ nghị sĩ quốc hội của Rwanda đã lên tăng lên 61%.

Vị thế của phụ nữ được bảo đảm bằng luật pháp

Nạn diệt chủng Rwanda, còn được biết dưới tên gọi Diệt chủng người Tutsi, là vụ giết người hàng loạt do chính quyền Rwanda do đa số người Hutu lãnh đạo nhắm tới sắc tộc Tutsi ở nước này. Ước chừng 500.000 tới 1 triệu người Rwanda, tức 70% dân số người Tutsi, bị sát hại trong 100 ngày diễn ra nạn diệt chủng, từ 7.4 đến giữa tháng 7.1994. Bên cạnh đó, 30% người Pygmy bị giết.

Sau khi cuộc tàn sát kết thúc, phụ nữ Rwanda chiếm tới 80% dân số khi những người đàn ông đã bị giết hại. Lúc này, để khôi phục và phát triển đất nước, những người phụ nữ Rwanda đã bước vào con đường chính trị và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của nam giới trước đó.

Năm 1999, phụ nữ chính thức được phép thừa kế tài sản mà không cần di chúc, những cô con gái nông thôn có quyền sở hữu đất từ cha mẹ giống như anh em trai của họ. Các cải cách khác giúp phụ nữ sử dụng đất đai của họ làm tài sản thế chấp để vay vốn.

Phụ nữ được trao quyền mở tài khoản ngân hàng mà không cần chồng cho phép, càng khuyến khích sự độc lập về tài chính. Giáo dục của trẻ em gái được ưu tiên thông qua những nỗ lực cho phép nhiều em học đại học hơn, và khuyến khích các em gái học các môn học truyền thống do nam giới thống trị.

Rwanda đã chuyển từ một quốc gia coi phụ nữ như tài sản, có chức năng chính là sinh con, sang một quốc gia quy định theo hiến pháp rằng ít nhất 30% các vị trí chính phủ do phụ nữ đảm nhiệm. Kể từ năm 2003, Rwanda liên tục có tỷ lệ nữ đại biểu cao nhất trong số các quốc gia trên thế giới. Bốn trong số bảy thẩm phán tòa án tối cao của quốc gia là phụ nữ, bao gồm cả phó chánh án.

Khi phụ nữ trúng cử vào cơ quan lập pháp, hàng loạt chính sách bảo đảm bình đẳng giới đã được thực hiện tại Rwanda như bãi bỏ các luật cấm phân biệt giới tính, trẻ em gái có quyền được đi học, bày tỏ quan điểm của bản thân, được đối xử bình đẳng như nam giới ở mọi chính sách phúc lợi…

Đạt Quốc