Vai trò của nghị viện trong trao quyền cho phụ nữ

“Cẩm nang” về bình đẳng cho phụ nữ

- Chủ Nhật, 22/10/2023, 06:18 - Chia sẻ

Hai mươi năm sau lần xuất bản đầu tiên, IPU và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) đã xuất bản phiên bản mới của cuốn Sổ tay dành cho các nghị sĩ về Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), vốn được coi như một cuốn “cẩm nang” của nghị sĩ trong sứ mệnh mang lại bình đẳng cho phụ nữ trên toàn thế giới.

Công ước CEDAW là gì?

Năm 1979, Liên Hợp Quốc đã thông qua một hiệp ước toàn cầu nhằm biến bất bình đẳng giới trở thành chuyện quá khứ. Kể từ đó,189 quốc gia đã phê chuẩn Công ước.

Hơn bốn thập kỷ sau khi được thông qua, văn kiện này vẫn là một công cụ thiết yếu để đạt được bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ trong mọi tầng lớp xã hội - từ gia đình, trường học cho đến vai trò lãnh đạo chính trị.

Nguồn IPU
Nguồn: IPU

Công ước là kết quả hơn ba mươi năm làm việc của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên Hợp Quốc, một cơ quan được thành lập năm 1946 để giám sát tình hình phụ nữ và thúc đẩy quyền của phụ nữ. Trong số các điều ước quốc tế về nhân quyền, Công ước có vị trí quan trọng trong việc đưa một nửa dân số nhân loại trở thành tâm điểm của các mối quan tâm về nhân quyền. Văn kiện này nêu rõ ý nghĩa của sự bình đẳng và cách thức đạt được mục tiêu đó. Bằng cách đó, công ước không chỉ thiết lập một tuyên ngôn quốc tế về quyền của phụ nữ mà còn thiết lập một chương trình hành động của các quốc gia nhằm bảo đảm phụ nữ được thụ hưởng quyền lợi chính đáng của mình.

CEDAW có ý nghĩa gì đối với các chính phủ?

Công ước này được biết đến như là đạo luật quốc tế về quyền con người của phụ nữ vì đây là hiệp ước duy nhất có tính ràng buộc pháp lý gần như được phê chuẩn toàn cầu về quyền của phụ nữ. Các quốc gia phê chuẩn CEDAW sẽ phải thừa nhận: 1. Nghĩa vụ tôn trọng; 2. Nghĩa vụ bảo vệ; 3. Nghĩa vụ hành động đối với quyền phụ nữ.

CEDAW đặt ra nhiệm vụ gì đối với các nghị viện?

Để thực hiện những nghĩa vụ này, nghị viện mỗi quốc gia phê chuẩn phải đưa các điều khoản của CEDAW vào các luật mới cũng như sửa đổi và bãi bỏ các luật phân biệt đối xử hiện hành.

Các nghị sĩ nên lập pháp để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực, đe dọa và phân biệt đối xử - đồng thời cố gắng thay đổi thái độ gia trưởng vốn là gốc rễ của mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ.

Sổ tay dành cho nghị sĩ về CEDAW là gì?

Năm 2003, IPU và Liên Hợp Quốc đã cho ra mắt: “Sổ tay dành cho nghị sĩ” để hướng dẫn về Công ước và Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho công ước (có hiệu lực năm 2000). Cuốn sổ tay đầu tiên này nhằm thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn của các nghị sĩ về Công ước cũng như Nghị định thư không bắt buộc và các quy trình báo cáo, thực hiện và giám sát liên quan. Khi các nghị sĩ nhận thức rõ hơn về sự liên quan của Công ước với công việc của họ, họ có thể thúc đẩy các nghị viện hành động tốt hơn vì quyền lợi của phụ nữ.

Sổ tay phiên bản 2023

Hai mươi năm trôi qua, nhờ sự hợp tác liên tục giữa IPU và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), ấn bản thứ hai của cuốn sổ tay đã được công bố vào tháng 6.2023. Ấn bản này nhằm mục đích tạo động lực mới và đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng việc thực hiện Công ước phải là công việc hàng ngày. Cuốn sổ tay hướng dẫn nhấn mạnh sự liên quan của Công ước đối với tất cả các khía cạnh công việc của cơ quan lập pháp: từ xây dựng luật, phân bổ ngân sách, giám sát chính phủ đến vai trò lãnh đạo và gương mẫu của từng nghị sĩ trong việc thay đổi nhận thức, định kiến và thái độ gia trưởng có tính phân biệt đối xử trong xã hội.

Mặc dù vậy, sự phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một vấn đề nhân quyền quan trọng với những tác động trên phạm vi rộng. Và một cuốn Sổ tay CEDAW cập nhật đang được rất nhiều người yêu cầu.

Lần đầu tiên, mọi nghị viện trên thế giới đều có nữ nghị sĩ

Theo báo cáo mới nhất của IPU đầu năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các cơ quan lập pháp trên thế giới đều có sự hiện diện của nữ nghị sĩ. Sự tham gia của phụ nữ vào nghị viện chưa bao giờ đa dạng và mang tính đại diện ở nhiều quốc gia như hiện nay.

Những phát hiện trong báo cáo hàng năm của IPU dựa trên 47 quốc gia đã tổ chức bầu cử vào năm 2022. Trong các cuộc bầu cử đó, phụ nữ chiếm trung bình 25,8% số ghế trong cuộc bầu cử hoặc bổ nhiệm. Điều này thể hiện mức tăng 2,3 điểm phần trăm so với những lần bầu cử trước đó.

Sáu trong số hơn 200 nghị viện quốc gia có được tiến bộ vượt bậc về bình đẳng giới với số nữ nghị sĩ nhiều hơn nam giới trong Hạ viện kể từ ngày 1.1.2023 bao gồm: New Zealand đã gia nhập câu lạc bộ năm ngoái gồm 5 quốc gia là Cuba, Mexico, Nicaragua, Rwanda và Hoa Kỳ.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử New Zealand đạt được dấu mốc này. Không có quốc gia G7 nào nằm trong top 30 nước có tỷ lệ cân bằng giới lớn nhất, theo Báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Mặc dù sự chênh lệch giữa số nghị sĩ nam và nữ ở New Zealand chỉ là một người, nhưng điều đó đã trở thành một tin tức lớn với các nữ nghị sĩ trên toàn thế giới bởi đây là quốc gia đầu tiên trong số những nước phát triển đạt được dấu mốc này.

Châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến ​​​​tốc độ tăng trưởng đại diện nữ cao nhất trong số tất cả các khu vực, đạt 1,7 điểm phần trăm để đạt mức trung bình chung là 22,6% phụ nữ trong nghị viện. Mỗi nghị viện ở khu vực Thái Bình Dương hiện nay đều có ít nhất một nhà lập pháp là nữ.

Vũ Quỳnh

Quốc Đạt
#