Những cuộc bầu cử nổi bật trên thế giới trong năm 2022

- Chủ Nhật, 30/01/2022, 07:13 - Chia sẻ
Trong năm 2022, trên thế giới sẽ diễn ra nhiều cuộc bầu cử quan trọng, trong đó có những sự kiện không chỉ có khả năng định hình tương lai chính trị trong bản thân quốc gia đó, mà còn có thể tác động không nhỏ đến cán cân quyền lực trong khu vực và quốc tế.
Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Bầu cử Tổng thống Hàn Quốc (9.3.2022)

Hiến pháp Hàn Quốc giới hạn tổng thống chỉ có một nhiệm kỳ 5 năm, vì vậy người dân xứ kim chi sẽ bầu người kế nhiệm Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in vào năm 2022. Ông Moon sẽ rời nhiệm sở trong bối cảnh sự ủng hộ của công chúng đang giảm đi và đảng Dân chủ trung tả của ông (DPK) thua cuộc trong các cuộc đua vào ghế thị trưởng ở hai thành phố lớn nhất là Seoul và Busan. Ở các cuộc bầu cử trên, các ứng cử viên của đảng Quyền lực nhân dân (PPP), tên mới nhất của đảng bảo thủ, đã vượt lên giành chiến thắng. Nguyên nhân tỷ lệ ủng hộ của cử tri giảm xuống đối với Tổng thống đương nhiệm là bởi, họ cho rằng nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã không thành công trong việc tái thiết quan hệ với Triều Tiên, cũng như không kiềm chế được giá nhà ở, vốn tăng gần 58% kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2017.

Ứng cử viên của DPK trong năm 2022 là luật sư dân quyền Lee Jae-myung, từng là Thống đốc của tỉnh Gyeonggi. Ông Lee là người ủng hộ việc thiết lập thu nhập cơ bản phổ quát và cung cấp hơn một triệu căn nhà cho thuê giá rẻ. Ông mô tả chính sách đối ngoại của mình là “thực tế”, ủng hộ làm việc với cả Trung Quốc và Mỹ.  Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống của PPP là cựu công tố viên Yoon Seok-youl. Ông Yoon nhận mình là “người theo chủ nghĩa duy lý”, khác với những “người theo chủ nghĩa dân túy”. Các quan điểm về chính sách đối ngoại của ông dường như có nét tương đồng với Tổng thống Moon Jae-in. Tuy nhiên, như trong hầu hết các cuộc bầu cử, các vấn đề trong nước có thể sẽ quyết định ai mới là người chiến thắng. Các cuộc thăm dò hiện cho thấy, ông Yoon đang dẫn đầu một chút so với ông Lee.

Bầu cử Tổng thống Pháp (10. 4 và 24.4.2022)

Cử tri Pháp có thể sẽ có hai cơ hội bỏ phiếu bầu tổng thống vào năm 2022. Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số trong vòng bầu cử đầu tiên, hai ứng cử viên hàng đầu sẽ tiếp tục “tỉ thí” trong vòng bỏ phiếu thứ hai sau đó hai tuần. Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron của đảng trung dung Cộng hòa tiến bước dự kiến ​​sẽ tìm kiếm cơ hội tái đắc cử, mặc dù ông vẫn chưa chính thức tuyên bố. Ông Macron từng đánh bại ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen với tỷ số chênh lệch cao trong vòng bỏ phiếu thứ hai vào năm 2017. Hiện tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Macron đã tăng lên, dao động quanh 45% trong những tháng gần đây, tương đối cao đối với các tổng thống Pháp vào cuối nhiệm kỳ.

Bà Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp quốc gia, trước đây gọi là đảng Mặt trận quốc gia, đã khởi động các nỗ lực tranh cử tổng thống lần ba của mình. Khác với Tổng thống Macron, bà là người kiên quyết phản đối Liên minh châu Âu (EU). Bà Le Pen phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ phía ứng cử viên cực hữu Éric Zemmour, nhà báo nổi tiếng được so sánh với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Éric Zemmour được biết đến với lập trường cứng rắn đối với vấn đề nhập cư: đặc biệt ủng hộ việc buộc những người di cư trở về quốc gia xuất xứ của họ. Cụ thể, ông kêu gọi trục xuất hai triệu người nước ngoài khỏi đất nước, bao gồm cả các sinh viên đến từ lục địa châu Phi. Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần phải bãi bỏ quyền nhập quốc tịch Pháp khi sinh ra tại nước này.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa của Pháp chọn bà Valérie Pécresse, nhà lãnh đạo ôn hòa của vùng Paris làm ứng viên của đảng tranh cử chức Tổng thống. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, ông Macron nhận được sự ủng hộ từ khoảng 25% cử tri Pháp; Bà Le Pen, bà Pécresse và ông Zemmour gộp lại được khoảng 15%. Các ứng cử viên từ đảng Xã hội, từng là một trong hai đảng chính trị chính của Pháp, đảng Cộng sản và đảng Xanh theo nhận được tỷ lệ ủng hộ một con số.

Bầu cử Quốc hội Australia (5.2022)

Hiến pháp Australia yêu cầu cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức trước ngày 21.5.2022. Các cử tri đi bỏ phiếu để bầu 151 ghế Hạ viện và 40/76 ghế Thượng viện. Thủ tướng Scott Morrison, lãnh đạo Đảng Tự do trung hữu, vẫn chưa ấn định ngày bỏ phiếu. Liên minh Tự do - Quốc gia, được gọi đơn giản là “Liên minh”, hy vọng sẽ giành được nhiệm kỳ lần thứ 4 với tư cách đa số. Công đảng Australia đối lập, do nhà lãnh đạo Anthony Albanese đứng đầu, mong đợi sẽ trở lại nắm quyền lần đầu tiên kể từ năm 2013.

Liên minh từng bị chỉ trích rộng rãi vì việc triển khai vaccine ngừa Covid-19 bị cho là lỏng lẻo, thậm chí các nhà chỉ trích còn ví chẳng khác nào “cuộc dạo chơi”. Tỷ lệ ủng hộ của Thủ tướng Morrison tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3.2020 sau phản ứng chậm chạp của Chính phủ đối với đám cháy rừng khắc nghiệt “Mùa hè đen”. Biến đổi khí hậu dự kiến ​​sẽ là một vấn đề chính trong cuộc bầu cử. Công đảng gần đây đưa ra kế hoạch cắt giảm 43% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, một mục tiêu đầy tham vọng hơn của Liên minh. Dẫu vậy các cuộc thăm dò cho thấy, Công đảng khó giành thắng lợi và nhiều người dân xứ chuột túi vẫn thích ông Morrison hơn ông Albanese trên cương vị Thủ tướng.

Tổng tuyển cử Brazil (2.10.2022)

Người Brazil sẽ bầu Tổng thống, Phó Tổng thống và Quốc hội mới vào tháng 10.2022. Tổng thống đương nhiệm Jair Bolsonaro dự kiến ​​sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ 4 năm lần thứ hai. Năm 2019, Bolsonaro rời đảng đã đưa ông đến vị trí tổng thống, đây là một vấn đề vì Brazil yêu cầu các ứng cử viên phải thuộc một đảng chính trị. Nhà lãnh đạo Brazil giải quyết vấn đề đó vào tháng 11.2021 bằng cách gia nhập đảng Tự do trung dung. Nhiều người nhận định, điều này có thể báo hiệu sự suy yếu của chủ nghĩa dân túy cánh hữu mà ông theo đuổi. Những người chỉ trích cho rằng, Tổng thống Bolsonaro đã xử lý sai đại dịch Covid-19, ông coi đó là “bệnh cúm nhỏ”, dẫn đến sự gia tăng khủng khiếp trong các trường hợp mắc Covid-19 ở nước này.
Đối thủ chính trong cuộc bầu cử tới của ông có thể là cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Ông Lula từng bị kết tội tham nhũng vào năm 2017, nhưng bản án đã được lật lại khi kháng cáo. Hầu hết các cuộc thăm dò đều cho thấy vị cựu tổng thống dẫn đầu. Tuy nhiên, uy tín của ông Bolsonaro cũng tăng lên kể từ khi ông chấp nhận đề xuất sẽ tăng đáng kể hỗ trợ tiền mặt cho người nghèo, mặc dù có nguy cơ phá vỡ ngân sách quốc gia. Đây được coi một bước ngoặt lớn của ông.

Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ (8.11.2022)

Nhiều người dự đoán, ​​quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện của Quốc hội Mỹ sẽ được đổi chủ trong năm 2022. Các cuộc bầu cử giữa kỳ thường diễn ra không mấy thuận lợi cho đảng của tổng thống đương nhiệm, đặc biệt là ở Hạ viện. Trong 7 thập kỷ qua, đảng của tổng thống đương nhiệm trung bình mất khoảng 25 ghế Hạ viện vào giữa nhiệm kỳ. Đôi khi việc mất ghế còn lớn hơn rất nhiều số đó. Đảng Dân chủ từng mất tới 63 ghế Hạ viện vào giữa nhiệm kỳ năm 2010.
Theo kết quả cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu chính trị Mỹ thuộc Đại học Harvard và công ty nghiên cứu thị trường Harris (Havard CAPS/Harris) công bố ngày 6.12, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ phải đối mặt với sức ép không nhỏ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022. Cụ thể, mặc dù tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden ở mức 45%, tăng nhẹ so với mức 43% trong cuộc khảo sát tháng 10, nhưng 51% số người được hỏi cho biết không tán thành hiệu suất làm việc của người đứng đầu Nhà Trắng. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng Dân chủ cũng ở mức thấp, với 45%, trong khi đảng Cộng hòa giành được 49% số ý kiến ủng hộ.

Theo các nhà phân tích, nếu đảng Cộng hòa giành lại một hoặc cả hai viện Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, sự phân cực lập pháp và bế tắc sẽ trở nên sâu sắc hơn trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Linh Anh