10 vấn đề định hình chương trình nghị sự toàn cầu

- Thứ Ba, 01/02/2022, 06:09 - Chia sẻ
Một trong những câu hỏi thường gặp nhất trong năm nay là liệu chúng ta học được gì từ đại dịch để đối mặt với những thách thức toàn cầu. Có một điều rõ ràng rằng, trong năm 2022, thế giới chắc chắn hơn về những thách thức mà họ phải đối mặt cũng như nhận thức rõ hơn về tính dễ bị tổn thương và sự phụ thuộc lẫn nhau.

1. Phục hồi kinh tế

Khi cú sốc ban đầu qua đi, việc sản xuất vaccine trong thời gian kỷ lục và các kế hoạch kích thích đầy tham vọng đã mở ra một con đường hướng tới phục hồi cho nền kinh tế thế giới. Vào năm 2022, cuộc tranh luận kinh tế quốc tế sẽ tìm cách làm sáng tỏ 5 ẩn số: tính vững chắc và bền vững của phục hồi ở các nền kinh tế phát triển; mức độ dễ bị tổn thương của các nền kinh tế có thu nhập trung bình; mức độ chênh lệch trong hành vi của các nền kinh tế được gọi là mới nổi; đứt gãy nguồn cung; và cuối cùng là khả năng xảy ra và tác động tiềm tàng của tình trạng vỡ bong bóng ở Trung Quốc, đặc biệt là kể từ khi có dấu hiệu cảnh báo về cuộc khủng hoảng của công ty cổ phần bất động sản Evergrande.

Ngay cả khi tránh được những rủi ro này, chương trình nghị sự phục hồi kinh tế sẽ phải đối mặt với sự bất mãn của tầng lớp mà được gọi là “người nghèo mới”. Ngân hàng Thế giới cảnh báo, 82% trong số 72 triệu người nghèo mới sống ở các nước có thu nhập trung bình, ở thành thị, có trình độ học vấn và phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực phi chính thức so với những tầng lớp nghèo hiện tại.

2. Căng thẳng địa chính trị

Căng thẳng giữa các cường quốc sẽ thiết lập nhiệt độ địa chính trị toàn cầu. Mối quan hệ Mỹ - Trung đã trở thành mối quan hệ mang tính cấu trúc của hệ thống quốc tế. Thêm vào đó là nguy cơ leo thang ở Ukraine, với việc Nga triển khai hơn 100.000 quân Nga ở biên giới vào cuối năm 2021. Cùng với hai đối thủ lớn này, căng thẳng đang gia tăng giữa các quốc gia như Algeria và Morocco, Trung Quốc và Ấn Độ và ở mức độ thấp hơn là Ai Cập và Ethiopia.

Một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố "xoay trục sang châu Á". Vào năm 2021, Hoa Kỳ không chỉ duy trì cam kết an ninh của mình mà còn củng cố cam kết này thông qua quan hệ đối tác an ninh với Australia và Anh như một phần của liên minh AUKUS. Trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, định nghĩa về không gian diễn ra trận chiến này đã thay đổi, với ý tưởng về “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được bình thường hóa và mở rộng hoàn toàn. Điều này dẫn đến những mối quan hệ hợp tác mới không chỉ giữa Washington và Canberra mà còn với Delhi và Tokyo, thổi luồng sinh khí mới vào Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD).

Về phần mình, Trung Quốc đang hứa hẹn một mối quan hệ đối tác bình đẳng với các quốc gia châu Phi như một phần trong tham vọng ngày càng tăng của họ ở lục địa Đen. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình ở Mỹ Latin, nơi nước này đang là đối tác thương mại chính.

Kết nối xuyên Đại Tây Dương cũng sẽ được sáng tỏ tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Madrid vào tháng 6.2022. Cuộc họp này sẽ giúp đánh giá mức độ hội tụ và tin tưởng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, đặc biệt là về lập trường đối với Trung Quốc. 

Quyền tự chủ chiến lược được đề cập nhiều trong lĩnh vực an ninh ở Liên minh châu Âu. Trong nửa đầu năm 2022, với việc Pháp đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên EU, “Chiến lược La bàn” sẽ được thông qua, giúp xác định châu Âu như một tác nhân toàn cầu và khu vực với sức mạnh và sự gắn kết chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quân sự. Dấu mốc quan trọng khác sẽ là Hội nghị Thượng đỉnh Quốc phòng của EU, cũng dưới thời chủ tịch EU của Pháp. Tại đây EU sẽ xác định họ quan tâm đến Ấn Độ - Thái Bình Dương ở mức độ nào, hay sẽ tiếp tục tập trung vào những không gian láng giềng hơn?  

3. Giá cả

Quá trình khởi động lại bộ máy sản xuất và hậu cần toàn cầu đang gặp khó khăn hơn dự kiến. Mối lo ngại về vòng xoáy lạm phát và các đợt khan hiếm hàng hóa sẽ ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế. Tình trạng giá cả hàng hóa gia tăng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, ảnh hưởng của mức tiêu dùng và thanh khoản cao hơn do các kế hoạch kích cầu và tiết kiệm thặng dư. Thứ hai, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, thiếu nguyên liệu thô, tình trạng tắc nghẽn tại các hải cảng, đình trệ trong sản xuất và phân phối.

Giá năng lượng tăng sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến địa chính trị. Đối với các nước có thu nhập cao, điều này về cơ bản sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn. Theo Eurostat, lạm phát vào cuối năm 2021 ở mức 4,9%, mức cao nhất trong 20 năm. Và lạm phát cao hơn có nghĩa là chi tiêu công nhiều hơn. 

Đối với các quốc gia nhập khẩu năng lượng và có ít tài nguyên hơn để đối phó với chi phí gia tăng, họ sẽ gặp vấn đề về nguồn cung. Lebanon là một trong những trường hợp cực đoan nhất, với nguy cơ thiếu các sản phẩm thiết yếu như sữa, xăng dầu và thuốc men. Ở nhóm thứ hai này, cần đặc biệt lưu ý đến các quốc gia đang chịu cú sốc kép về năng lượng và giá lương thực tăng.

Khối các nước thứ ba bao gồm các nhà nước xuất dầu mỏ như Nga, Ảrập Xêút và Algeria. Một số có thể tận dụng thu nhập tăng lên để thúc đẩy các quá trình đa dạng hóa kinh tế đang diễn ra.

4. Sức khỏe

Chiến dịch phủ sóng vaccine sẽ là mối quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế. Tuy nhiên, vào năm 2022, khả năng tiếp cận vaccine của các quốc gia bị bỏ lại trong đợt tiêm chủng trước đó sẽ được cải thiện, một phần là do năng lực sản xuất vaccine được cải thiện. EU ước tính rằng họ sẽ sản xuất 3,5 tỷ liều vào năm 2022 và Thủ tướng Narenda Modi thông báo Ấn Độ sẽ sản xuất thêm 5 tỷ liều nữa. Châu Phi đang là thách thức chính trong chiến dịch phủ sóng vaccine toàn cầu, vì ngoại trừ Morocco, Cape Verde và Tunisia, tỷ lệ tiêm chủng của các nước châu Phi khác vẫn dưới 10% tính đến tháng 12.2021. Trong năm nay, thế giới có thể phải sẵn sàng đối mặt với các biến thể mới nhưng với sự lạc quan hơn so với giai đoạn đầu của đại dịch. Đó là bởi vì chúng ta đã nắm được biện pháp nào hiệu quả và hơn hết là nhờ những tiến bộ trong cả nghiên cứu.

Một mối quan tâm khác về sức khỏe trong năm 2022 là việc thế giới đang dành hết nguồn lực để đối phó với Covid-19 gây ra tình trạng khan hiếm nguồn lực để đối phó với những căn bệnh khác. Ví dụ, trong trường hợp bệnh ung thư, một nghiên cứu cho thấy ở Tây Ban Nha, nguồn lực dành cho nghiên cứu tế bào học đã giảm 50% và số lượt thăm khám bệnh nhân giảm 20%. Điều này đặt ra những áp lực lớn hơn để cải cách các cơ chế hợp tác quốc tế như WHO; đầu tư công và tư vào đổi mới để mang lại hiệu quả không chỉ cho cuộc chiến chống lại virus corona.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

5. Sợ hãi

Trong năm nay, nỗi sợ hãi bao trùm không còn là dịch bệnh mà còn nhiều nỗi sợ hãi khác. Theo một nghiên cứu của PricewaterhouseCoopers, 39% người lao động trên thế giới tin rằng công việc của họ sẽ lỗi thời sau 5 năm nữa. Với họ, Covid-19 đẩy nhanh nỗi sợ hãi không thể thích ứng với một loạt biến đổi không thể đảo ngược.

Chủ nghĩa khủng bố là một công cụ chính trị khác của nỗi sợ hãi sẽ còn tồn tại với chúng ta vào năm 2022. Liệu đại dịch có thay đổi cách các nhóm khủng bố hành động hoặc tuyển mộ theo hay không vẫn còn là ẩn số. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, mối đe dọa này đang ngày trở nên đa dạng và khó lường hơn: với chủ nghĩa khủng bố thánh chiến lan rộng ở một số quốc gia thuộc khu vực châu Phi cận Sahara cùng với mối đe dọa do chủ nghĩa khủng bố cực hữu và chủ nghĩa tối thượng của người da trắng ở các quốc gia phát triển.

6. Bầu cử

Ai sẽ xoa dịu nỗi sợ hãi? Ai sẽ quản lý khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số và xã hội? Những câu hỏi này sẽ được trả lời tại các cuộc bầu cử trong năm 2022.

Năm 2022 sẽ chứng kiến ​​một số nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy ở châu Âu đối mặt với cuộc bầu cử lại như Thủ tướng Viktor Orbán của Hungary, Thủ tướng Slovenia Janez Jansa và Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić. Ở Mỹ Latin, trọng tâm sẽ là cuộc bầu cử của Brazil. Ở Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte có thể không đủ điều kiện cho nhiệm kỳ mới, nhưng chủ nghĩa Duterte sẽ còn ghi dấu ấn trong năm nay; không chỉ bởi ông đã thông báo rằng sẽ ứng cử vào Thượng viện mà còn bởi vì ái nữ của ông, bà Sara-Duterte Carpio đã tuyên bố là ứng cử viên phó tổng thống. 

Bóng ma của chủ nghĩa dân túy cũng sẽ hiện hữu trong các cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11. Khi sự ủng hộ đối với Tổng thống Joe Biden giảm khoảng 40% vào tháng 11.2021, suy đoán sẽ không chỉ về việc liệu ông Donald Trump có tái tranh cử vào năm 2024 hay không mà còn liệu ông hoặc một trong những người của ông có thể giành chiến thắng hay không.

Người dân Pháp có bốn cuộc hẹn với thùng phiếu vào tháng 5 và tháng 6.2022, với hai vòng bầu cử tổng thống, tiếp sau đó là cuộc bầu cử Quốc hội. Sự xuất hiện của Éric Zemmour - người được đánh giá là một ứng cử viên "thú vị" - sẽ là một biến số trong cuộc bầu cử của Pháp. 

Một sự kiện lớn khác không thể không kể đến là Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dự báo sẽ củng cố quyền lãnh đạo với nhiệm kỳ thứ ba; và đưa ra lộ trình cho những năm tới để đạt tới “mục tiêu 100 năm” mới mà Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra.

7. Đổi mới

Các biện pháp để hạn chế sự lây lan của Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội: tăng cường áp dụng công nghệ từ xa, sự thay đổi thói quen trong tính di động, tiêu dùng và xử lý thông tin… trở thành xu thế không thể đảo ngược. Một trong những di sản khác của cuộc khủng hoảng sức khỏe là “uy tín” của khoa học đã được tăng lên đáng kể. Nếu xu hướng này tiếp tục, nó có thể mang lại hiệu ứng dày đặc hơn, với nhiều dự án hợp tác hơn giữa các nhóm nghiên cứu, nhà nước, nhà khoa học và khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng làm trầm trọng thêm khoảng cách về khoa học giữa các nước; bổ sung một khía cạnh mới của sự bất bình đẳng ở một thế giới phát triển với nhiều tốc độ.

8. Tính di động

Tính lưu động quốc tế sẽ là một yếu tố quan trọng vào năm 2022 vì mọi yếu tố của năm 2022, được thể hiện ở những hiện tượng sau.

Thứ nhất, với tốc độ phủ sóng tiêm chủng, 2022 có thể là năm du lịch quốc tế bùng nổ trở lại. Từ tháng 4 đến tháng 5.2020, số lượng hành khách trên các chuyến bay quốc tế đã giảm mạnh 92% và đỉnh điểm các việc đóng cửa biên giới đã đạt đỉnh vào tháng 12 năm đó, theo một báo cáo của Tổ chức di cư Quốc tế.   

Thứ hai, là các biện pháp được áp dụng để ngăn chặn đại dịch sẽ làm tăng số lượng người di cư. Dự báo các xu hướng trong tương lai gần cho thấy, trong những năm tới, số lượng người bị cưỡng bức phải di cư có thể lên tới 100 triệu người.

Thứ ba là cuộc khủng hoảng y tế và sự mất cân bằng trong việc khởi động lại nền kinh tế đã dẫn đến nhu cầu lớn hơn đối với người lao động ở các nền kinh tế phát triển trong các lĩnh vực như y tế, chăm sóc xã hội và giao thông. Chẳng hạn vào tháng 11.2021, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh hợp pháp nhằm giải quyết nhu cầu lao động.

9. Khủng hoảng nhân đạo

Covid-19 đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo đã có từ trước. Và một điều đặc biệt, đại dịch cũng chuyển hướng sự chú ý từ những cuộc khủng hoảng lớn sang những cuộc khủng hoảng không ngờ tới, trong đó các nước giàu và thu nhập trung bình cũng phải chứng kiến ​​hệ thống y tế của họ gần sụp đổ một cách nguy hiểm.

Trong khi các mức tài trợ quốc tế được duy trì trong năm 2020 và phần lớn năm 2021, chúng vẫn không đủ do quy mô và khối lượng nhu cầu quá lớn. Một vấn đề có thể làm trầm trọng thêm một tình hình vốn đã phức tạp là giá lương thực tăng nhanh và liên tục. Khi bước sang năm 2022, các cảnh báo đã được đưa ra rằng tình trạng mất an ninh lương thực đã đạt đến “mức độ thảm khốc chưa từng có”.

Yếu tố ngắn hạn này làm thúc đẩy các xu hướng dài hạn như tái xuất hiện các cuộc xung đột bị đóng băng; sự gia tăng của các thảm họa thiên nhiên; môi trường sống và sinh kế bị tàn phá. Điều này bản thân nó lại càng dẫn đến nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo hơn, kéo dài lâu hơn và ảnh hưởng đến các tầng lớp dân cư rộng lớn hơn.

Yếu tố địa chính trị cũng ảnh hưởng đến vấn đề nhân đạo ở một số nơi, điển hình là Afghanistan. Do Chính quyền Taliban không được nhận viện trợ, mới đây, UNDP đã công bố một số kịch bản cho Afghanistan vào năm 2022. Cao nhất, nước này sẽ mất từ ​​3,6% đến 8% GDP, với tỷ lệ nghèo đói tăng từ 7% đến 15%. Trong trường hợp xấu nhất, với một cuộc khủng hoảng gay gắt và thương mại quốc tế bị gián đoạn, GDP sẽ giảm hơn 13% và 97% dân số Afghanistan sẽ rơi vào cảnh nghèo đói.

10. Tình trạng khẩn cấp về khí hậu

Thủ tướng Barbados Mia Amor Mottley bắt đầu bài phát biểu quan trọng tại COP26 bằng cách nhắc lại "rằng đại dịch đã dạy chúng ta các giải pháp đơn lẻ của từng quốc gia cho các vấn đề toàn cầu là không hiệu quả". Những gì đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Glasgow, Scotland đã là những tín hiệu tích cực nhưng chưa đủ. Về mặt chính trị, đã có những cử chỉ quan trọng: Mỹ và Trung Quốc đã ký một tuyên bố chung có giá trị biểu tượng; Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố phê chuẩn Hiệp định Paris; và Ấn Độ đã công bố cam kết không phát thải ròng vào năm 2070.

Một trong những chủ đề lớn khác cho năm 2022 là việc chuẩn bị cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Liên minh châu Âu đã áp dụng cơ chế này từ năm 2011, theo đó sẽ đánh thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không có cơ chế định giá carbon. Nhiều nước đang nghiên cứu hướng đi tương tự. Việc thực hiện sẽ được tiến hành dần dần - bắt đầu từ năm 2023 và hoàn thành vào năm 2026. Trong giai đoạn đầu, nó sẽ ảnh hưởng đến các ngành lớn như thép, phân bón và xi măng.

Chương trình nghị sự về môi trường tiếp tục ở nhiều tốc độ. Nhưng rủi ro của thế giới nằm ở chỗ, mặc dù thế giới rất cần một phản ứng tập thể, nhưng nhận thức và lợi ích quá khác biệt giữa các quốc gia đã ngăn cản những phản ứng tương xứng.

Đạt Quốc