Tháng 6.2022, Finhay thông báo việc hoàn tất mua lại Công ty cổ phần Chứng khoán Vina (VNSC), trở thành một trong những Fintech đầu tiên tại Việt Nam sở hữu một công ty có giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Về VNSC, đây là công ty chứng khoán hoạt động 15 năm, trước khi về tay Finhay, VNSC có kết quả kinh doanh thua lỗ. Tính tới ngày 31.12.2021, Công ty đang lỗ luỹ kế 263,1 tỷ đồng và 2 lần bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt (lần 1 từ ngày 23.4 – 22.8.2021, lần 2 từ ngày 17.9.2021 – 16.3.2022) do kinh doanh thua lỗ kéo dài.
Theo dữ liệu tài chính riêng, quý 4 năm 2022, VNSC có mức doanh thu hoạt động tăng mạnh lên mức 11,6 tỷ, trong đó doanh thu tài chính tăng lên mức 28 triệu đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, VNSC báo lãi 4,5 tỷ đồng, tăng 151 % so với cùng kỳ năm 2021.
Tại thời điểm 31.12.2022, nợ phải trả của VNSC giảm mạnh xuống mức 610 triệu đồng, vốn chủ sở hữu tăng mạnh lên 297 tỷ đồng. Đáng chú ý, chứng khoán Vina vẫn ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 261 tỷ đồng, giảm nhẹ so với khoản lỗ luỹ kế 263 tỷ đồng khi kết thúc năm 2021.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý 4.2022 cho thấy, dòng tiền kinh doanh của VNSC âm tới 164 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 dương 64 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư của công ty cũng âm 1,5 tỷ đồng, lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính không thể hiện. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của VNSC âm 165 tỷ. Kết thúc quý 4.2022, lượng tiền của VNSC sụt giảm mạnh gần 94 % về mức 4 tỷ đồng.
Về Finhay, người sáng lập kiêm CEO Finhay là Nghiêm Xuân Huy, sinh năm 1991. Chủ nhân Finhay có gần mười năm du học tại Úc về tài chính thương mại và marketing trước khi trở về Việt Nam và lập Finhay năm 2017, cùng với ba người bạn có chuyên môn về công nghệ thông tin.
Mô hình huy động vốn “tích tiểu thành đại” của Finhay tập trung vào nhóm khách hàng phân khúc tích lũy tài sản thấp, để tiết kiệm chi phí thuê nhân lực tư vấn, môi giới.
Finhay tự giới thiệu là ứng dụng kết nối nhà đầu tư với các kênh tài chính, các kênh này đầu tư, đưa ra cam kết sinh lời và chuyển lợi nhuận cho khách hàng. Cam kết là thế nhưng kết quả kinh doanh của Finhay lại không mấy khả quan nếu không muốn nói là "ảm đạm".
Nhìn lại quá trình kinh doanh của Finhay, năm 2017, doanh nghiệp chỉ ghi nhận khoản doanh thu "cò con" ở mức hơn 6 triệu đồng. Đến năm 2018, doanh thu tăng trưởng lên mức 87 triệu đồng, năm 2019 đạt 303 triệu đồng. Năm 2020 đánh dấu bước nhảy vọt doanh thu của Finhay khi đạt mức 2,8 tỷ đồng và đến hết năm 2021 đạt mức gần 14 tỷ đồng.
Mặc dù năm 2021 doanh thu tăng mạnh so với 2017 nhưng năm 2021 Finhay gặp phải tình trạng giá vốn vượt qua doanh thu dẫn tới khoản lỗ gộp hơn 2 tỷ đồng và cũng là lần lỗ gộp đầu tiên kể từ 2017 đến 2021.
Ở chiều ngược lại với doanh thu, từ năm 2017 đến 2021, Finhay Việt Nam liên tục ghi nhận lỗ sau thuế.
Cụ thể, năm 2017, Finhay Việt Nam báo lỗ sau thuế hơn 5 triệu đồng, lỗ 933 triệu đồng năm 2018, lỗ 417 triệu năm 2019, lỗ 21 tỷ đồng năm 2020 và lỗ gần 63 tỷ đồng năm 2021.