Văn minh đô thị

Nhật Minh 23/12/2018 07:42

Có thể nói, cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra một cách mau lẹ thì văn minh đô thị đang là vấn đề đáng quan tâm ở nước ta hiện nay. Sự “nhếch nhác” ở các đô thị kéo dài nhiều năm nay và ngày càng trầm trọng. Nhiều địa phương đã phải ban hành quy định, quy ước về văn minh đô thị… với mong muốn xây dựng nếp sống đô thị văn minh hơn.

Đà Nẵng là địa phương ban hành khá sớm Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố từ năm 2005; hay như Thừa Thiên - Huế, đầu năm 2014, tỉnh đã ban hành Quy định một số vấn đề trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2014 - 2015, định hướng đến năm 2020. Hoặc như Hà Nội, đầu năm 2017, UBND thành phố cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan và nơi cộng đồng trên địa bàn thành phố…

Thực tế, quy định về văn hóa - văn minh đô thị ở ta không thiếu; thậm chí nhiều nội dung đã được quy định trong các văn bản pháp luật. Cái thiếu chính là ý thức của các công dân đô thị. Người viết bài này được chứng kiến tại ngã tư đường Bà Triệu - Trần Hưng Đạo, Hà Nội, một thanh niên vượt đèn đỏ bị công an đứng khuất tầm nhìn bước ra buộc dừng lại. Người công an hỏi: “Anh biết mình vi phạm gì không?”. Anh thanh niên tỉnh bơ: “Biết chứ, vượt đèn đỏ”. Người công an bực bội: “Biết vậy sao anh còn vượt?”. Anh thanh niên đôi co: “Không thấy ông, chứ thấy thì tôi đâu dám vượt”...

Từ câu chuyện trên nghĩ đến, một mâu thuẫn lâu nay người ta thắc mắc nhiều mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng, đó là: Xã hội càng phát triển khá giả lên, con người ta thường chỉn chu hơn, cẩn thận hơn trong bố trí không gian tư gia và trật tự sinh hoạt trong gia đình nhưng khi ra phố, dường như người ta lại tỏ ra cẩu thả hơn, tùy tiện hơn. Và điều đáng nói, đó là cái mà người ta gặp thường ngày, người ta kêu ca thường ngày, và cũng chính người ta lại tạo ra nó hằng ngày.

Nhiều người cho rằng, đô thị bị lộn xộn phần lớn là do người dân ngoại tỉnh. Thực tế điều đó chỉ đúng một phần. Các hành động vi phạm luật giao thông khi đi xe máy trong phố, dường như chỉ dân đô thị đủ khôn khéo, đủ ma mãnh để nhìn trước ngó sau rồi vượt đèn đỏ khi không thấy bóng cảnh sát giao thông. Còn đổ rác bừa bãi thì thử hỏi, chẳng lẽ người dân tỉnh lẻ mang rác lên đô thị mà đổ? Hầu hết đều do công dân đô thị “xịn” đổ ra quanh khu phố nhà mình.

Có thể nói rằng, tất cả những hành vi vi phạm văn minh đô thị đều bắt nguồn từ sự thiếu ý thức, nhưng cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự nghiêm minh, công bằng, triệt để trong tuyên truyền lối sống, hoạt động sống văn minh nơi đô thị theo quy định của pháp luật. Vậy nên, để chấn chỉnh và xóa bỏ thực trạng trên, chúng ta phải mạnh tay, làm công tác trật tự đô thị thường xuyên, lâu dài chứ không theo “tháng hành động...”, theo “chiến dịch”, nặng về hình thức. Thêm nữa, cái rất cần là phải giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, kết hợp với xử phạt nghiêm minh.

Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau ý thức đúng và hành động nghiêm túc để xây dựng phố phường xanh - sạch - đẹp; để văn minh đô thị không chỉ là khái niệm. Quy định, quy ước về văn hóa - văn minh đô thị là cần thiết để người dân thấm nhuần và thực hiện, nhưng điều quan trọng nhất chính là ý thức của con người… Muốn có văn minh đô thị, phải có nếp sống đô thị và muốn có nếp sống đô thị, phải có ý thức của người đô thị.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Văn minh đô thị
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO