Khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo phục vụ phát triển

Sức hút từ không gian văn hóa tâm linh

- Thứ Tư, 23/11/2022, 06:42 - Chia sẻ

Những năm gần đây, các giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế du lịch ở nước ta. 

Hấp dẫn đông đảo du khách

Những năm qua, việc du khách tham quan và tìm hiểu các công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu, phủ, nhà thờ, thánh đường...; tham dự các sự kiện liên quan đến lễ hội gắn với việc bày tỏ niềm tin tín ngưỡng và tôn giáo; du lịch hành hương, tưởng nhớ anh hùng dân tộc... đã trở nên phổ biến. Trong số các điểm đến gắn với văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, cơ sở thờ tự Phật giáo có số lượng lớn nhất (chiếm tới 90%) cùng tồn tại với công trình của các tôn giáo khác như Công giáo, Cao Đài... Bên cạnh đó, du khách còn đến tham quan, lễ bái ở các công trình gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tri ân những vị anh hùng dân tộc, tiền bối có công với nước, dân tộc, trở thành du lịch về cội nguồn.

Không gian văn hóa tâm linh tạo sức hút với đông đảo du khách- Ảnh: vntrip.vn
Không gian văn hóa tâm linh tạo sức hút với đông đảo du khá. Nguồn: thethaovanhoa.vn

Triết lý, đức tin, giáo pháp, nét đặc sắc của di sản kiến trúc, mảng chạm khắc, di vật... gắn với những thiết chế, công trình tôn giáo, tín ngưỡng là đối tượng mục tiêu hướng tới của du khách. Hơn thế, các công trình này thường ở những nơi có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, giúp cho du khách có trải nghiệm thú vị khi tiếp cận với các không gian văn hóa tâm linh. 

Nguồn tài nguyên này phân bố đều trên khắp cả nước, gắn với các khu vực, vùng miền, gắn với các tộc người, gắn với các loại hình văn hóa, phong tục, tập quán… do vậy có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách du lịch. Bởi những giá trị ấy, hiện nay, gần như trong các chương trình du lịch tổ chức tại Việt Nam đều xuất hiện các điểm tham quan gắn với công trình, di tích tôn giáo, tín ngưỡng đặc sắc. 

Theo Tổng cục Du lịch, khách du lịch tâm linh chiếm tỷ trọng khá lớn. Thống kê năm 2019, trước khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong số 85 triệu lượt khách nội địa, có 34,85 triệu lượt khách đến các điểm tâm linh (chùa, đền, phủ, tòa thánh), chiếm khoảng 42%. Một số điểm đón lượng khách lớn như Khu Di tích lịch sử đền Hùng (hơn 7 triệu lượt du khách), chùa Hương (trên 1,5 triệu lượt), Yên Tử (khoảng 1 triệu lượt khách), Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam An Giang (trên 5 triệu lượt khách)...

Năm 2022, dù một số lễ hội không tổ chức khai hội, ban quản lý tại một số khu di tích cho biết lượng khách về tham quan, lễ bái đã gần bằng so với trước thời điểm phải đóng cửa vì dịch bệnh bùng phát. 

Gắn giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo với du lịch
Trước sức hấp dẫn của giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như đáp ứng nhu cầu chính đáng của du khách, những năm qua, không ít địa phương tổ chức khai thác hiệu quả du lịch gắn với các địa điểm tâm linh. Với Phú Thọ, nhận thức di sản đặc biệt Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một nguồn lực tốt đối với hoạt động kinh tế du lịch, tỉnh đã xác định gắn kết di sản với phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, tỉnh đón danh hiệu Khu Du lịch quốc gia đền Hùng nhằm tạo điều kiện song hành hoạt động bảo tồn và phát huy di sản trong cộng đồng... 
Những lễ hội truyền thống đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong việc xác định nội dung của các kỳ Festival Huế. Đến nay đã có hơn 20 lễ hội được tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, dàn dựng, tái hiện. Việc khai thác và phát huy giá trị di sản lễ hội truyền thống cũng thúc đẩy phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống đáp ứng công tác bảo tồn và nhu cầu của khách du lịch. Việc phục hồi các lễ hội xưa cũng làm sống lại, tỏa sáng các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc… 
Các di tích tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội là cơ sở, nền tảng để loại hình du lịch văn hóa - tâm linh phát triển và ngược lại thông qua du lịch, những giá trị của di tích tín ngưỡng, tôn giáo được quảng bá rộng rãi đến với công chúng, thu hút nhiều du khách đến di tích đồng thời tạo thêm nguồn thu để tu bổ, tôn tạo di tích. 
Ngoài tác động tới việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, du lịch gắn với văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo cũng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho biết: những năm qua, ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc… đã quy hoạch và xây dựng các di tích trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành các điểm du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2019, điểm du lịch di tích quốc gia đền Bảo Hà, tỉnh Lào Cai thu 45 tỷ đồng; điểm du lịch ở di tích quốc gia đền Đông Cuông thu gần 20 tỷ đồng; các điểm du lịch tâm linh ở các huyện và thành phố của tỉnh Tuyên Quang thu hơn 30 tỷ đồng… 
Các địa phương quan tâm phát triển du lịch tâm linh không chỉ bởi nguồn thu cho ngân sách hàng năm mà còn mong đợi tác động tích cực khác cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Du lịch phát triển, một lực lượng lao động không nhỏ tại địa phương có việc làm bằng việc tham gia vào rất nhiều dịch vụ đi kèm như hàng hóa, sản phẩm phục vụ khách, giao thông - vận tải, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí... Khi lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch đông, các ngành kinh tế khác của địa phương cũng được kích thích như nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ... 
Với định hướng khai thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống gắn với quy hoạch liên kết vùng, có thể thấy, du lịch tâm linh đã và đang trở thành động lực thu hút khách, thúc đẩy hoạt động dịch vụ du lịch khác, tạo sự đa dạng cho du lịch Việt Nam, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. 

Ngọc Phương