Khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo phục vụ phát triển

Cân bằng bảo tồn và phát huy giá trị

- Thứ Tư, 23/11/2022, 06:44 - Chia sẻ

Muốn phát huy tốt giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, phải có cách làm khoa học, hướng tới mục tiêu bền vững, chú trọng cân bằng phát huy với bảo tồn...

Mai một không gian thiêng 

Bên cạnh những mặt tích cực của công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua, theo các nhà nghiên cứu, vẫn có nhiều người chưa hiểu hết nét đẹp của di sản tôn giáo, tín ngưỡng. Đã có hiện tượng biến tướng, biểu hiện lệch lạc trong nhận thức, niềm tin; có những hành vi, thực hành mang tính chất thái quá, mù quáng. Chẳng hạn, không gian tín ngưỡng, tôn giáo là nơi để con người tìm sự thanh thản trong tâm hồn, thức tỉnh lương tâm, sám hối những việc làm sai trái; là nơi để khơi gợi những mầm thiện trong mỗi con người, lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp... Thế nhưng, rất nhiều người đến đây để cầu xin danh lợi, thăng quan tiến chức, cầu mong giàu sang phú quý, thậm chí những người làm ăn phi pháp, tội lỗi cũng đến để cầu cho công việc của mình may mắn... Nhiều người nhận thức rằng, chỉ cần làm lễ là có thể hóa giải mọi vận hạn... Không chỉ trong nhận thức, trong thực hành cũng có sự lệch lạc như vậy. Không ít người sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn chi cho các cuộc lễ, đốt hàng trăm triệu đồng mua vàng mã...

Cân bằng phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo - Ảnh: vntrip.vn
Cân bằng phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Nguồn: vntrip.vn

Nhiều địa phương đã đưa giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo vào phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, nhưng cũng có nơi làm thiếu bài bản, chộp giật, bất chấp tất cả nhằm thu lợi. Một trong những vấn đề đáng lo ngại là không gian tín ngưỡng, tôn giáo đang bị xâm lấn bởi những dịch vụ “ăn theo”, ngay cả những mặt hàng không phù hợp với không gian thiêng. Lượng du khách đến đông, sự quản lý thiếu chặt chẽ, ý thức khách tham quan chưa tốt, hạ tầng cơ sở thiếu... đã khiến cho những vấn nạn như xả rác bừa bãi, hủy hoại môi trường, di tích bị phá hoại. Những hành động phản cảm như tranh cướp, đánh nhau để giành lộc, những hoạt động như bói toán, cúng thuê, các nghi lễ mê tín dị đoan cũng đua nhau phát triển. 

Các di sản khi muốn trở thành sản phẩm du lịch đều phải trải qua một quá trình đặc biệt - “hàng hóa hóa” di sản. TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng trăn trở khi không gian thiêng mai một. Đôi khi, việc đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách đã dẫn đến sự biến dạng của di sản, có di sản tín ngưỡng mất hẳn không gian thiêng, trở thành trò diễn đơn thuần. Một số điểm du lịch có giá trị tâm linh, nghệ thuật bị quá tải khi lượng khách đến đông. Tại một số di sản tiêu biểu, một số cá nhân tự ý xây dựng các công trình dịch vụ, du lịch để đón khách, làm ảnh hưởng tới không gian di sản...

Nhiều ý kiến cho rằng, vai trò, giá trị của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo chưa được phát huy một cách đầy đủ cho sự phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển du lịch, khiến Việt Nam đang lãng phí nguồn tài nguyên hết sức giá trị.

Gắn bảo tồn với phát huy bền vững

Văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo cần được nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn, để từ đó có thể phát huy những giá trị tích cực trong sự nghiệp phát triển đất nước. Theo nhiều chuyên gia, cần đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa giá trị đạo đức, sự từ bi, lòng bao dung, nét đẹp văn hóa truyền thống của các tín ngưỡng, tôn giáo..., làm cho mọi người hiểu được giá trị tích cực và cả những hạn chế, để từ đó ứng xử phù hợp, có ý thức đấu tranh, đẩy lùi hạn chế, phát huy mặt tốt. 

Phát huy vai trò, giá trị của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo cho sự phát triển đất nước không chỉ là câu chuyện của Nhà nước, mà còn của các địa phương, tổ chức tôn giáo và cả cộng đồng, xã hội. Từ thực tiễn nghiên cứu và thực thi vấn đề bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Lào Cai, TS. Trần Hữu Sơn nhận thấy, Luật Di sản văn hóa cũng như các Nghị định Chính phủ trong quá trình sửa đổi đã có nhiều điểm mới bổ sung, tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp luật chưa đề cập sâu đến vai trò của các bên tham gia, trong đó có chức sắc tôn giáo, người thực hành tín ngưỡng tôn giáo ở các dân tộc. 

Du lịch tâm linh đang được nhiều địa phương đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc gia tăng lợi ích kinh tế chỉ là một phần của mục tiêu phát triển bền vững. Nếu chỉ tập trung khai thác giá trị này mà bỏ quên trách nhiệm bảo vệ môi trường văn hóa, sẽ có nguy cơ gây tổn thương sâu sắc đến đời sống của cộng đồng dân cư tại chỗ và cảnh quan thiên nhiên gắn với không gian văn hóa tâm linh. Bởi vậy, du lịch tâm linh phải được tập trung đầu tư phát triển theo quy hoạch bài bản trên cơ sở khai thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam. Tạo điều kiện và định hướng hoạt động cho chức sắc, tín đồ tôn giáo trong tổ chức hoạt động du lịch tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Vào mùa lễ hội, lượng du khách xuất hiện đông, nếu tổ chức, quản lý và triển khai hoạt động du lịch không khéo sẽ làm nảy sinh các hiện tượng chèo kéo, mất an ninh trật tự, thương mại hóa lễ hội... PGS.TS. Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định, để di sản có đời sống tốt trong xã hội, phải vừa có giá trị tinh thần, vừa có giá trị kinh tế, tạo sinh kế, lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng cũng không vì yếu tố kinh tế mà quên đi giá trị cốt lõi của lễ hội là phải định hướng, giáo dục con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Khi cân bằng được hai yếu tố này thì không gọi là thương mại hóa lễ hội mà biến lễ hội thành sản phẩm văn hóa có giá trị đặc biệt. 

Các địa phương cần điều tra, khảo sát và đánh giá hệ thống tài nguyên du lịch tâm linh; sức chứa và khả năng cung ứng về mặt dịch vụ; cơ chế, chính sách quản lý, khai thác và phát triển; nguồn nhân lực và sự tham gia của cộng đồng địa phương... từ đó, có giải pháp, định hướng cụ thể phát triển du lịch bền vững, góp phần phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần đẹp đẽ của văn hóa, con người Việt Nam.

Thảo Nguyên