Văn hóa chạy đâu?
Dư luận đang xôn xao với vụ việc một cô giáo vào Facebook chê Chủ tịch tỉnh An Giang nhìn mặt “kênh kiệu” bị kỷ luật và phạt 5 triệu đồng! Người bảo mức án quá nặng, người bảo phải xử nghiêm hơn nữa để làm gương. Nhưng dẫu thế nào thì cũng cần nhìn thẳng vào sự thật: Vì sao con người giờ hành xử với nhau không còn đằm thắm như xưa? Vì sao bạo lực nơi học đường, bạo lực trong chính các gia đình nơi gọi là “tổ ấm” đi về lại nhiều thế? Vì sao ngôn ngữ tục tĩu chợ búa, tứ chiếng như nhiều lên, vì sao sự lạnh lùng trong những vụ thảm sát rợn người đây đó cứ nối nhau hết vụ nọ vụ kia? Vì sao sự vô cảm ra đường gặp vụ đánh lộn nhau thì cố tránh, gặp người bị nạn thì vụt xe qua. Vì sao tình hàng xóm “tối lửa tắt đèn” giờ như thành xa xỉ?
Chúng ta bàn nhiều đến phát triển kinh tế, với mũi nhọn này, đột phá kia. Chúng ta đặt lên đầu bảo đảm an sinh, giật mình với nợ công với bội chi, nhưng lại như chưa đặt đúng tầm việc xây dựng con người có văn hóa. Chúng ta lo cho sự học, đau đầu với cải tiến và đổi mới, nhưng xem ra lại chỉ chăm chắm với nhét nhồi kiến thức, mà còn nhạt nhòa với phương cách dạy làm người. Thế nên câu “tiên học lễ” trong trường học giờ ở đâu?
Công nghệ thông tin với internet tràn về cái hay rất nhiều, nhưng những tiêu cực, những cái xấu trong mỗi cái “nhấn chuột” cũng sinh ra đủ họa. Rồi phim ảnh trên truyền hình do chọn lọc không kỹ, thẩm định lỏng lẻo cứ tung lên những ngôn từ bát nháo, những hình ảnh ứng xử tùm lum, những “đối thoại chợ giời”, với đấm đá, với súng dao, với cả loạt những bộ phim truyền hình về chuyện ngoại tình nhăng nhít, cảnh giường ngủ, phòng tắm đủ chiêu trò để câu hút người xem. Ngay cả những trang văn hóa của các báo in, báo điện tử mở ra cũng loạn xạ chuyện đời tư của ca sĩ, của người mẫu, của sao nọ sao kia. Chả thiếu chuyện bêu nhau, nói xấu nhau, “đá xéo” nhau của những người khoác áo “văn hóa”, làm văn hóa, mà ngôn từ rất thiếu văn hóa. Thôi thì đủ chuyện trên giời dưới đất bày ra trên mạng xã hội. Nào chuyện tranh vợ cướp chồng. Nào chuyện đại gia này, chân dài kia. Nào chuyên “tư dinh” như “cung vua phủ chúa” của ca sĩ nọ, ngôi sao điện ảnh kia. Nào nhẫn kim cương vài chục tỷ, nào thời trang vài trăm triệu, đồng hồ mấy chục nghìn đô, giày túi hàng hiệu sắm tận trời tây “độc nhất vô nhị” không đâu có? Tất cả cứ khoe mẽ tênh hênh từ trong ra ngoài nhiễu loạn chả biết thật giả ra sao nữa?
Chúng ta cứ nói hòa nhập, nhưng dứt khoát không hòa tan! Ai hay bao thứ “hòa tan” còn hơn hòa tan! Người ta “bê” cả những cái xa lạ của văn hóa trời tây về chế tác, sáng tạo mà người tây cũng “ngả mũ” chào thua? Không thể cứ nhìn mà không gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh: Đời sống đi lên, còn văn hóa đạo đức như đang xuống cấp. Không thể cứ nói mà không làm. Không thể cứ tung lên những phát ngôn ấn tượng, những ví von trên giời mà không nhìn thẳng vào thực trạng cuộc sống đang diễn ra thế nào?
Lắng nghe và biết nghe! Cần hơn thế là phải biết làm gì để đất nước có một môi trường văn hóa trong lành. Ô nhiễm môi trường đủ thứ đã quá sợ, nhưng ô nhiễm về văn hóa tai họa cũng chả kém đâu. Con người Việt Nam dù làm gì thì cũng phải hành xử có nét đẹp văn hóa, có cái “phông văn hóa” mới mong phát triển đi lên!