Uy linh Ông Ba Mươi

- Chủ Nhật, 30/01/2022, 07:18 - Chia sẻ
Trong các dòng tranh dân gian Việt Nam, hổ là nhân vật đặc biệt. Hổ không chỉ được sáng tác dưới nhiều hình thức tạo hình phong phú mà còn được dân gian gửi gắm hầu hết quan niệm về vũ trụ cũng như nhân sinh quan. Mỗi dòng tranh như Hàng Trống, Kim Hoàng, làng Sình mang những giá trị và cách nhìn nhận khác nhau của người Việt về nhân vật uy linh này.
Ngũ Hổ - tranh dân gian Hàng Trống
Ngũ Hổ - tranh dân gian Hàng Trống

Hội tụ đầy đủ ý niệm về vũ trụ

Nổi tiếng nhất chính là bộ tranh hổ của Hàng Trống (Hà Nội). Bộ tranh này bao gồm bức Ngũ Hổ và 5 bức độc hổ: Hắc Hổ là hổ đen, Hoàng Hổ là hổ vàng, Bạch Hổ là hổ trắng, Thanh Hổ là hổ xanh, Xích Hổ là hổ đỏ. Trong mỗi bức tranh chứa đựng những thông điệp khác nhau về cuộc sống cũng như quan niệm tín ngưỡng của người Việt. Điều thú vị là dòng tranh dân gian Hàng Trống vốn được sinh ra trong phố hội - đô thị Việt xưa nhưng lại vẫn tồn tại các bức tranh hổ, phản ánh tín ngưỡng tối cổ của người Việt thờ những thế lực tự nhiên và cho thấy gốc gác căn bản của một dân tộc xa xưa gắn liền với cuộc sống tiền nông nghiệp.

Ngũ Hổ có thể xem là bức tranh hội tụ đầy đủ nhất ý niệm về vũ trụ mang những triết lý cổ đại về sự hình thành của trời đất. Những sắc màu được thị hiện trên màu lông của mỗi con hổ tượng trưng cho một phương trời đất và ứng ngũ hành tương sinh. Bức tranh lấy hổ vàng làm nhân vật ngự trị ở trung tâm, tượng trưng cho trung ương trời đất. Xung quanh theo vòng tuần hoàn Kim (hổ trắng) sinh Thủy, Thủy (hổ đen) sinh Mộc, Mộc (hổ xanh) sinh Hỏa, Hỏa (hổ đỏ) sinh Thổ, Thổ (hổ vàng) sinh Kim.

Ngoài ra, các hình tượng này còn ứng với phương Bắc hành thủy màu Đen, phương Nam hành hỏa màu Đỏ, phương Đông hành mộc màu Xanh, phương Tây hành Kim màu trắng. Tất cả vòng tuần hoàn tương sinh đó được hội tụ dưới những tầng mây ngũ sắc và vầng mặt trời. Trên đầu hổ vàng là thất tinh của chòm Đại Hùng Tinh. Chân trước con vật này giữ một tấm bài vị với 4 chữ “Pháp đại uy linh”. Bên phải là năm thanh gươm, bên trái là năm lá cờ lệnh. Tất cả thị hiện sức mạnh của thiên nhiên, uy linh của chúa tể sơn lâm trong quy luật vận hành của trời đất vũ trụ.

Về mặt tạo hình, có lẽ những con hổ trong tranh dân gian Hàng Trống là những tác phẩm đạt đến độ tinh tế nhất so với tất cả các dòng tranh. Từ dáng điệu, đường nét, cho đến thần thái hổ đều toát ra vẻ uy linh nghiêm cẩn. Với đôi mắt mở lớn, tròn và xanh, thân hình uyển chuyển cùng những vằn lông, những con hổ như được đúc kết từ kinh nghiệm quan sát của các nghệ nhân về linh vật này trong thực tế để rồi nhân cách hóa, cách điệu hóa để trở thành “uy hổ thần tướng” oai phong lẫm liệt. Chúng không chỉ đẹp về mặt thị giác mà như còn chứa đựng vẻ tâm linh thần bí.

Thanh Hổ - tranh dân gian Hàng Trống
Thanh Hổ - tranh dân gian Hàng Trống

Tranh dân gian Hàng Trống vốn là tranh tô màu trên một ván in nét, do đó việc hoàn thành tác phẩm thường dựa trên tài khéo của người thể hiện. Những sắc độ được biến tấu, thêm bớt, trau chuốt mới có được thần thái linh hoạt. Chính điều đó khiến tranh hổ của dòng tranh này có sự khác biệt đặc trưng.

Ước vọng cuộc sống “đế vương”

Hổ trong tranh dân gian Kim Hoàng (Hà Tây cũ) lại có sự đặc sắc khác. Cặp tranh Tả Thanh Long - Hữu Bạch Hổ dường như đã bổ sung một ý niệm khác về nhân sinh quan của người Việt. Đây hai con vật linh luôn đi song hành với nhau trong thuật phong thủy. Tả Thanh Long tức bên trái có rồng xanh chầu, Hữu Bạch Hổ tức bên phải có hổ trắng phục. Thế đất nào mà có rồng chầu, hổ phục chính là thế đất tốt - vượng địa, để con người có thể làm ăn sinh sống thuận lợi, khỏe mạnh, giàu sang, trù phú.

Tả Thanh Long - tranh dân gian Kim Hoàng
Tả Thanh Long - tranh dân gian Kim Hoàng

Tuy nhiên trong đời sống, không phải lúc nào ta cũng có thể tìm kiếm được những khu đất tốt như vậy cho mỗi gia đình. Do đó, người Việt đã dùng cách vẽ tranh treo trong nhà theo thế đăng đối như bày ra một tượng hình, một thế đồ trong không gian nhằm gửi gắm ước vọng về cuộc sống “đế vương”, biến đất ở chưa tốt thành nơi có rồng chầu, hổ phục, nơi có sinh khí tốt tươi.

Về mặt tạo hình, cặp tranh rồng - hổ này vô cùng đặc biệt với lối bố cục theo chiều dài của bức tranh. Con rồng cuộn mình trong mây, con hổ nhoài người theo thế núi thoải. Phía trên cặp tranh là vầng nhật nguyệt như khép lại một vòng tuần hoàn của trời đất. Có thể nói, các con vật này vừa như thị uy, nhưng cũng lại mang đến điều tốt lành hiện diện cùng biểu tượng mây ngũ sắc.

Hữu Bạch Hổ - tranh dân gian Kim Hoàng
Hữu Bạch Hổ - tranh dân gian Kim Hoàng

Có lẽ ý nghĩa về trấn yểm kể trên chỉ là một nguyên cớ để các nghệ nhân dân gian thả sức sáng tạo, gửi gắm tình cảm, ước mong của mình vào những nét vẽ đầy tính ẩn dụ. Sự hòa nhã của màu sắc xanh - trắng, sự đăng đối trong bài trí đã khiến cặp tranh này trở nên đặc sắc trong số các tác phẩm thuộc thể loại trừ tà, trấn trạch của dòng tranh dân gian Kim Hoàng.

Điềm tĩnh, khoan thai

Đối với dòng tranh làng Sình (Huế), ông hổ là một trong số những bức tranh thuộc về hai bộ, một là thập nhị giáp, hai là tranh lễ cúng tế sơn thần, các tranh này đều là tranh hóa mã, tranh cúng. Cách tạo hình nhân vật này khác hoàn toàn với hai dòng tranh dân gian kể trên, mô tả con hổ trong dáng vẻ điềm tĩnh, khoan thai. Nếu cách tạo hình trong tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng ít nhiều mang tính bác học, tính triết lý với những thông điệp ngôn ngữ màu sắc cẩn trọng, thì con hổ trong tranh làng Sình lại đơn giản, khái quát với những đặc điểm căn bản như tai bầu, mắt xếch, lưng rộng vằn đen vàng.

	Hình tượng con hổ trong tranh dân gian làng Sình
Hình tượng con hổ trong tranh dân gian làng Sình

Về kích thước tranh hổ dân gian làng Sình nhỏ để phù hợp với chức năng đốt mã sau khi cúng thần rừng, nhằm cầu ước các ông hổ trên rừng không đến quấy phá cuộc sống của dân lành, cho con người yên ổn, an vui. Phải chăng cũng vì lẽ đó mà ông hổ của dòng tranh này được thị hiện là một con vật hiền lành, gần gũi.

Có thể thấy sự thị hiện của hình ảnh con hổ trong tranh dân gian Việt Nam với những tác phẩm điển hình của ba dòng tranh Hàng Trống, Kim Hoàng và làng Sình, ta có thể thấy rõ những thông điệp của người xưa muốn gửi gắm vào các tác phẩm. Từ trừ tà trấn trạch cho đến cầu phúc, tránh họa, rồi các hình thức biểu hiện cũng phù hợp với tâm thức của người Việt. Ở đó là sự chồng xếp những lớp văn hóa khác nhau về hình tượng con hổ - chúa sơn lâm mà người Việt muốn mượn oai hùm - linh hổ để xua đuổi tà ma, quy tụ những điều tốt lành. Bên cạnh đó, người Việt cũng muốn đốt vía cho hổ để xua đi những hiểm nguy rình rập từ chính nhân vật này trong cuộc sống thực tế. Những bức tranh hổ trong nghệ thuật dân gian như thể hiện tính đa dạng văn hóa, phong tục Việt mà ở đó căn cốt nhất vẫn là tính nhân văn và triết lý sống của con người.

Trong nghệ thuật hội họa hiện đại ngày nay, không ít họa sĩ cũng lấy hổ làm chủ đề sáng tác. Các tác phẩm này thoát thai hoàn toàn khỏi văn hóa phong tục để trở thành những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân. Hình tượng con hổ trong các tác phẩm này biểu thị thần thái uy dũng hay phô bày vẻ đẹp của bộ lông tùy theo ý tưởng của mỗi nghệ sĩ.

PGS. TS. Trang Thanh Hiền