Sáng tạo không giới hạn

- Chủ Nhật, 30/01/2022, 07:01 - Chia sẻ
Những ngày tháng 7.2021, dịch Covid-19 bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh, tâm lý xã hội căng thẳng lo âu. Sing for life - Sing for love (Hát để sẻ chia) số đầu tiên được phát trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, mong muốn dùng âm nhạc để chữa lành, lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng. Chương trình đã ngay lập tức gây ấn tượng bằng chất lượng nghệ thuật cao, với những bản phối hoàn toàn mới và sự kết hợp âm nhạc chưa từng có giữa các ca sĩ. Song để có mỗi tập phát sóng 60 - 90 phút ấy là cả hành trình sáng tạo, thử nghiệm, vượt qua không ít khó khăn mà trước khi bắt tay làm không tưởng tượng ra.
Đạo diễn Minh Trí chỉ đạo chương trình Sing for life - Sing for love
Ảnh: NVCC

Hơn 15 năm trong nghề, đạo diễn Đặng Lê Minh Trí cho biết, trước đại dịch, hầu như chưa ai nghĩ tới việc phải làm chương trình online, giãn cách, bởi nghệ thuật có tính đặc thù, quá trình từ xây dựng ý tưởng đến lúc triển khai, ê kíp thực hiện phải trao đổi, thảo luận, phản biện. “Thông thường làm việc trực tiếp chỉ mất 2 - 3 buổi họp là thống nhất được ý tưởng và hướng thực hiện, online thời gian họp tăng gấp đôi mà chất lượng không bằng, do thiếu tương tác trực tiếp, rất khó nắm bắt được nội dung truyền đạt của nhau”.

Đấy mới là thảo luận ban đầu, bước vào thực hiện phức tạp hơn nhiều, nhất là khi chương trình theo đuổi tiêu chí 100% tác phẩm được phối mới hoàn toàn như Sing for life - Sing for love. Tức là giám đốc âm nhạc, nhạc công đến ca sĩ và ê kíp sản xuất sẽ phải phối hợp chặt chẽ để làm ra một sản phẩm chưa từng có trên thị trường, trong khi ai ở nhà người đó, “khó vô cùng”. “Tập luyện trực tiếp, các nhạc công có thể tự điều chỉnh hòa vào nhau và phù hợp với tông giọng của ca sĩ để có một tác phẩm âm nhạc hay nhất. Online thì không thể làm như vậy, tất cả dựa vào bản phối, mỗi lần thay đổi, cả ban nhạc thay đổi theo, chờ đợi nhau, rất tốn thời gian và công sức”, đạo diễn Minh Trí chia sẻ.

Đến quá trình sản xuất, bình thường để quay một chương trình âm nhạc như Sing for life - Sing for love cần 35 - 50 người, bao gồm đạo diễn, trợ lý đạo diễn, biên tập viên, kỹ thuật trường quay, âm thanh, ánh sáng, ca sĩ, nghệ sĩ, hậu cần… Thực hiện giãn cách xã hội, số lượng người tập trung tối đa chỉ được 20 người, một người ắt phải đảm đương nhiều việc. Nhưng rồi đến lúc 20 người cũng không được phép nữa...

Sing for life - Sing for love đã quy tụ được các nghệ sĩ thuộc 4 thế hệ của âm nhạc Việt Nam từ 7x đến Gen Z
Ảnh: S4L

Với việc ai ở nhà người ấy đòi hỏi xử lý kỹ thuật “siêu phức tạp”. Cùng nghe một bản nhạc, hai người ở 2 địa điểm khác nhau hát không bao giờ khớp nhau mà sẽ có độ trễ nhất định. “Chúng tôi đã tìm ra cách xử lý đồng tốc trễ, giảm độ trễ đến mức siêu tốc”. Cho dù cách xử lý mang tính thủ công, nhưng chính “mưu” này đã giúp cho chương trình bảo đảm chất lượng nghệ thuật, vì trong âm nhạc, chỉ cần lệch một nốt là khán giả nhận ra ngay.

Ban đầu dự kiến mùa 1 Sing for life - Sing for love có 10 tập, nhưng do dịch diễn biến căng thẳng nên chỉ thực hiện được 7 tập. Format chương trình cũng phải thay đổi, chỉ cố gắng giữ tiêu chí bản phối mới và những màn song ca, hòa ca chưa từng có giữa các ca sĩ. “Đó cũng là mục tiêu chúng tôi theo đuổi ngay từ đầu để tạo ra một chương trình âm nhạc khác biệt, chất lượng nghệ thuật cao, có thể duy trì trong thời gian dài 3 - 5 năm” - đạo diễn Minh Trí nói.

Mặc dù thừa nhận làm tốt đến mấy thì chương trình nghệ thuật online cũng chỉ tạo được cảm xúc cho người xem ở mức 6/10 so với chương trình trực tiếp, song đạo diễn Minh Trí khẳng định Sing for life - Sing for love sẽ có tiếp mùa 2, và mở rộng phạm vi, kết nối với các nghệ sĩ quốc tế. Bởi chuyển đổi số trong nghệ thuật đang là xu thế. Từ khóa xuất hiện gần đây là “meta verse” (vũ trụ ảo), một sản phẩm của Facebook. Trong “meta verse”, khả năng sáng tạo là vô giới hạn, xóa bỏ không gian mang tính chất vật lý, nghệ sĩ không nhất thiết phải bay đến nơi nào đó biểu diễn, khán giả không phải lúc nào cũng tập trung một chỗ. Nghệ sĩ ở Mỹ và Việt Nam có thể kết hợp làm một MV ca nhạc khi vào vũ trụ ảo chung.

Bài toán trọng yếu nhất đối với các chương trình nghệ thuật online, theo đạo diễn Minh Trí, là khán giả, cụ thể là cảm xúc của người xem. “Ở nhà vẫn cảm nhận được âm nhạc hay như ở liveshow. Ở nhà vẫn được tương tác với nghệ sĩ. Ở nhà vẫn được chụp hình hoặc nhận chữ ký, đồ lưu niệm của nghệ sĩ… Nếu giải quyết được bài toán này thì cũng có câu trả lời cho việc thu hút nhà đầu tư hay mời nghệ sĩ tham gia chương trình, bởi tất cả các thương hiệu và nghệ sĩ đều nhìn vào số lượng khán giả”.

Và để làm được điều đó, cần người có chuyên môn. “Đây là thời điểm bùng nổ của ‘meta verse’. 100% người trong ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đều nhận diện được xu hướng này, công nghệ cũng đã có, chỉ thiếu những con người được đào tạo bài bản. Cách làm khả thi nhất hiện nay là tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, để có những sản phẩm kết hợp giữa nghệ sĩ Việt Nam với nghệ sĩ các nước, qua đó chúng ta vừa làm vừa học hỏi” - đạo diễn Minh Trí mong muốn.

Hương Linh