Tham nhũng vẫn nóng!

- Thứ Tư, 11/05/2022, 05:58 - Chia sẻ

Một trong những điểm đáng chú ý trong Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 công bố sáng qua là sự suy giảm về điểm ở chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” từ mức 6,69 (năm 2020) xuống còn 6,84.

“Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” là 1 trong 8 tiêu chí đánh giá của PAPI. Chỉ số này gồm 4 nội dung thành phần nhằm đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền, đồng thời phản ánh mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân.

Điểm số được đo từ các câu hỏi về trải nghiệm trực tiếp của họ với tham nhũng hoặc cách nhìn nhận của họ về hiệu quả công tác chống tham nhũng.

Năm 2021, điểm thấp nhất và điểm cao nhất cấp tỉnh có khoảng cách tương đối xa, từ 5,42 đến 8,15 điểm trên thang điểm từ 1-10. Nhóm địa phương đạt điểm cao nhất gồm 13 tỉnh, thành phố (Phú Thọ, Thái Bình, Hưng Yên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Bạc Liêu, Long An, An Giang, Tây Ninh). Nhóm địa phương đạt điểm thấp nhất gồm 15 tỉnh, thành phố, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai.

Trong số 4 nội dung thành phần, điểm của “Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” vẫn thấp nhất. Theo phản ánh của người dân, hiện trạng “chung chi” để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở các địa phương, dù đó là tỉnh giàu hay nghèo. Mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn (gồm công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường). Điều này diễn ra ngay cả ở những tỉnh được điểm cao ở chỉ tiêu này như Bình Dương và Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% đến 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, hiện trạng “chung chi” để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như Cao Bằng, Đắk Lắk và Sóc Trăng. Ngoài ra, cũng có 40% đến 80% người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện ở khoảng 40 tỉnh, thành phố cho biết đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn.

Đi cùng với sự suy giảm về điểm ở chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” là sự sụt giảm tỷ lệ người dân tin vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương. Năm 2020, có 50,32% người được hỏi cho biết chính quyền tỉnh, thành phố đã xử lý nghiêm các vụ tham nhũng ở địa phương trong khi năm 2021 chỉ còn lại 48,13%.

Đây là năm đầu tiên chứng kiến sự sụt giảm nhẹ về điểm người dân đánh giá hiệu quả phòng, chống tham nhũng của chính quyền địa phương kể từ khi chiến dịch tăng cường chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt trên cả nước. Điều này không hẳn phản ánh hiệu quả của công tác chống tham nhũng giảm đi mà cho thấy kỳ vọng của người dân vào sự trong sạch, minh bạch của đội ngũ công chức và công tác chống tham nhũng là rất cao, do đó các nỗ lực cần phải tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa.

Việc tham nhũng và chống tham nhũng vẫn là chủ đề nóng cũng cho thấy, ưu tiên của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng là lựa chọn hợp lòng dân. Gần đây nhất, tại Hội nghị lần thứ 5, Trung ương đã đưa ra quyết định quan trọng và đúng đắn về việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng. Với kỳ vọng rất cao của người dân, Ban Chỉ đạo này chắc chắn sẽ gánh vác trọng trách và khối lượng công việc rất lớn. Bởi chống tham nhũng không chỉ là xử lý các vụ án mà còn là “xây” - “xây” thể chế, “xây” môi trường, “xây” đạo đức công vụ; “xây” thiết chế giám sát từ bên ngoài bộ máy nhà nước. Đó là gốc rễ để tham nhũng không còn đất nảy nở, sinh sôi.

HÀ LAN