Sau bão Noru

- Thứ Năm, 29/09/2022, 04:58 - Chia sẻ

Bão Noru đã tan sau khi quần thảo hàng tiếng đồng hồ ở các tỉnh miền Trung nước ta đêm 27 rạng sáng ngày 28.9. Thống kê sơ bộ đến chiều qua cho thấy thiệt hại được giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể. Điều này là nhờ có thông tin cảnh báo bão sớm, chính xác; tinh thần cảnh giác cao độ với “quái vật Noru” và sự vào cuộc phòng, chống bão nhanh chóng, quyết liệt của cả hệ thống chính quyền cũng như người dân.

Ngay sáng qua, Chính phủ họp trực tuyến với Ban chỉ đạo tiền phương đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru). Theo thông tin tại cuộc họp, cập nhật đến 10 giờ ngày 28.9, bão Noru không gây thiệt hại về người. Chỉ có 4 người bị thương, tất cả đều ở Quảng Trị. Về tài sản, bão Noru làm sập 3 nhà; gây hư hỏng, tốc mái 157 nhà, trong đó nhiều nhất là ở Quảng Trị 118 nhà; làm chìm 3 ghe nhỏ. Bão cũng khiến 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện và 15 xã bị mất điện; làm gãy đổ trên 500 cây xanh…

Đây mới là số liệu ban đầu! Thiệt hại chắc chắn sẽ được thống kê đầy đủ, chính xác hơn sau khi các địa phương hoàn tất công tác kiểm kê. Mặc dù vậy có thể thấy chúng ta đã hạn chế được đến mức thấp nhất thiệt hại cả về tính mạng và tài sản của một cơn bão được đánh giá là mạnh, đi nhanh, diễn biến phức tạp, lại đổ bộ nước ta vào ban đêm… Trong đó, không xảy ra thiệt hại về người là một thắng lợi vô cùng to lớn!  

Có được kết quả này là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Đầu tiên, thông tin cảnh báo về cơn bão số 4 được đưa ra từ sớm, chính xác và cập nhật liên tục. Cùng với đó, cả chính quyền - từ Trung ương đến địa phương và người dân đều nêu cao tinh thần cảnh giác với cơn bão được mệnh danh là “quái vật”, cùng vào cuộc phòng, chống bão nhanh chóng, quyết liệt. Trong chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ, các địa phương và các lực lượng đã kêu gọi, hướng dẫn gần 58.000 tàu thuyền di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn. Riêng ngày 27.9, hơn 108.000 hộ dân với hơn 340.000 nhân khẩu đã được sơ tán đến nơi an toàn. Trong khi chính quyền địa phương tập trung gia cố bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng thì người dân hối hả chằng chống nhà cửa, chặt cây dọn vườn, khẩn trương sơ tán và tuân thủ tuyệt đối lệnh giới nghiêm…

 Một điều đặc biệt và đã trở nên vô cùng quen thuộc mỗi khi bão về - đó là tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái của người dân. Như Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, đã trực tiếp chứng kiến "người sống trong nhà cấp 4 thì sang ở nhờ nhà hàng xóm kiên cố hơn, có khách sạn dành cho bà con trú tránh". “Lá lành đùm lá rách”, bà con đã cùng nhau vượt qua bão an toàn.

Bão Noru qua đi, rất mừng vì thiệt hại đã được giảm đến mức tối đa nhưng lại cũng đáng lo khi đây đó người dân tỏ ra chủ quan với suy nghĩ “tưởng bão mạnh lắm, thành ra chống bão phát mệt!”. Thực sự thì chúng ta có phần may mắn, bởi phân tích khí tượng cho thấy có nhiều yếu tố hạn chế năng lượng của bão Noru ngay trước khi đổ bộ đất liền và khiến bão có xu hướng giảm cấp khi càng tiếp cận gần bờ. Ví dụ, một đĩa mây lớn phía Đông Bắc của tâm bão Noru có xu hướng tách khỏi tâm bão vào lúc 22 giờ 30 phút đêm 27.9; trên biển không có nhiều khối không khí lạnh…

Vậy nhưng may mắn không phải lúc nào cũng đến! Hơn nữa, kinh nghiệm ứng phó với bão lũ cho thấy: phòng phải là chính! Phòng bão cũng tốn kém nhưng chắc chắn sẽ ít hơn rất nhiều so với những thiệt hại xảy ra nếu chúng ta chủ quan, lơ là. Bởi vậy, những bài học kinh nghiệm ứng phó với bão Noru -  đó là thông tin cảnh báo sớm, chính xác; tinh thần cảnh giác cao độ; sự vào cuộc phòng chống nhanh chóng, quyết liệt của cả hệ thống chính quyền và người dân - cần được duy trì khi ứng phó với rủi ro thiên tai trong tương lai.

Hà Lan