Phương án nào thì cũng phải khẩn trương!

- Thứ Hai, 01/08/2022, 06:00 - Chia sẻ

Khảo sát dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên sáng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương tìm giải pháp xử lý khả thi nhất, báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ ngay trong tháng 8. Tinh thần khẩn trương này cũng cần được đặt ra với 4 dự án khác đang chưa rõ hướng đi để không tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước.

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên khởi công năm 2007, có tổng mức đầu tư ban đầu 3.800 tỷ đồng. Tới năm 2013, dự án phải tạm dừng thi công do gặp khó khăn trong thu xếp nguồn vốn và “đắp chiếu” từ đó đến nay. Trực tiếp khảo sát hiện trường, Thủ tướng Chính phủ "xót ruột" và "sốt ruột" khi thấy nhiều hạng mục của dự án bị bỏ hoang. Nhiều vật tư, thiết bị đã hư hỏng, rỉ sét, nằm phủ bạt ngoài trời.

Theo Đề án xử lý các dự án kém hiệu quả của ngành công thương đã được Thủ tướng phê duyệt (Quyết định số 1468/QĐ-TTg ban hành năm 2017), đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên sẽ ưu tiên chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Trường hợp không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án: bán dự án hoặc kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư dự án.

Vậy nhưng sau 6 năm tiến hành xử lý theo Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội và gần 5 năm theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng, dự án cho đến nay vẫn bế tắc. Vướng mắc chính của dự án liên quan tới tranh chấp giữa chủ đầu tư là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và nhà thầu về hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói). Nhiều cuộc thương thuyết đã diễn ra trong những năm qua nhưng hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Trong cuộc làm việc với các bộ, ngành, tỉnh Thái Nguyên và doanh nghiệp sáng qua, Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất là khẩn trương tìm được phương án xử lý khả thi nhất cho dự án để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định với tinh thần bảo đảm tiết kiệm nhất, hiệu quả cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Cái gì cũng có giới hạn của nó và việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả cũng vậy! Dù gang thép Thái Nguyên được đánh giá thuộc diện phức tạp, khó xử lý nhất trong số 12 dự án nghìn tỷ đắp chiếu của ngành công thương thì tới giờ việc tìm kiếm phương án khả thi nhất cũng không thể chậm trễ hơn được nữa nếu không muốn ngân sách mất mát nhiều hơn.  

Tinh thần khẩn trương cũng rất cần thiết đối với 4/12 dự án khác hiện vẫn chưa rõ đường đi nước bước. Những dự án “xác sống” kiểu này kéo dài ngày nào thì ngân sách sẽ thiệt hại thêm ngày đó. Bởi vậy, hướng xử lý cho từng dự án phải được phác họa với tinh thần “chấp nhận đau đớn” để sớm chấm dứt tình trạng thua lỗ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.

Trường hợp xấu nhất phải tính tới phương án cho phá sản dự án, thay vì dùng dằng giữa các phương án không hiệu quả khác. Phá sản chắc chắn là một quá trình đau đớn - ở chỗ vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp bị mất, nhiều ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ “khủng”... Tuy nhiên, nếu chúng ta mất quá nhiều thời gian để nhìn nhận ra vấn đề không thể để tiếp tục tồn tại của những dự án đó thì nỗi đau sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Bài học xương máu là rất nhiều tiền đã được đổ thêm vào để tái cơ cấu Vinashin nhưng không mang lại kết quả và ngân sách tiếp tục phải gánh chịu những thiệt hại lớn hơn.

Hà Lan