Phạm vi thu hồi đất còn rộng!

- Thứ Năm, 22/09/2022, 05:34 - Chia sẻ

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Liên quan đến thu hồi đất, có thể thấy phạm vi thu hồi đất như trong Dự thảo còn quá rộng. Đây cũng chính là nhược điểm của Luật Đất đai năm 2013.

Hiến pháp 2013 quy định: Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 chưa làm rõ thế nào là “thật cần thiết”, thế nào là “mục đích quốc phòng, an ninh”, thế nào là “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Luật chỉ đưa nguyên quy định của Hiến pháp vào luật, sau đó quy định các trường hợp thu hồi đất tại Điều 61 và  Điều 62. Theo đó, Điều 62 cho phép thu hồi đất để phát triển, xây dựng các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất… Phần lớn trong số đó là dự án thương mại thuần túy, không vì mục đích phục vụ lợi ích công. Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp trên thực tế, việc thu hồi đất lại do chính quyền địa phương đứng ra đảm nhận để giao cho doanh nghiệp, thay vì để doanh nghiệp tự thương lượng với từng người dân.

Thu hồi đất thông qua sử dụng quyền lực hành chính thường dẫn đến thua thiệt cho người dân, bởi hiếm khi quyền sử dụng đất được đền bù thỏa đáng theo giá thị trường và được hưởng lợi nhiều nhất chính là những doanh nghiệp được giao đất theo tiến trình này. Sự giàu lên bất thường của rất nhiều công ty bất động sản Việt Nam không phải từ khả năng sáng tạo công nghệ xây dựng, vật liệu mới, quản lý mới, mà xuất phát từ sự “dễ bất thường”, “rẻ bất thường” trong việc thu hồi đất. Phạm vi thu hồi đất rộng cũng dễ gây ra khiếu kiện và tham nhũng như chúng ta đã chứng kiến trong thời gian qua.

Tất nhiên, không dễ dàng cho ban soạn thảo trong việc làm rõ tiêu chí để xác định một dự án nào đó có thuộc diện “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Bởi lẽ một khi dự án được chính quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hay cấp giấy chứng nhận đầu tư thì đương nhiên phải vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Nhưng, nói như vậy không phải là không có giải pháp! Nhiều phương án đã được các chuyên gia nêu ra. Ví dụ, Nhà nước chỉ nên giữ lại việc thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh và khi xây dựng các công trình hạ tầng công cộng. Còn với các dự án phát triển đô thị, khu công nghiệp… mà doanh nghiệp muốn đầu tư vào thì phải tự thỏa thuận với người dân.

Hoặc, để bảo đảm công bằng và hài hòa lợi ích khi thu hồi đất, cần bắt buộc thực hiện quy trình đánh giá tác động và lấy ý kiến của cộng đồng bị ảnh hưởng của dự án có thu hồi đất thay vì để cơ quan chính quyền tự quyết định trên cơ sở giải trình của chủ đầu tư.

Hoặc phân loại các dự án thành 2 nhóm. Với các dự án chỉ vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không có lợi ích riêng của chủ đầu tư (như xây dựng trụ sở cơ quan, đơn vị sự nghiệp công, xây dựng hạ tầng không gắn với kinh doanh…) thì áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Với các dự án mà lợi ích của chủ đầu tư gắn với lợi ích quốc gia, công cộng thì áp dụng cơ chế có chia sẻ lợi ích ở dạng này hay dạng khác, đều phải đạt được sự đồng thuận của đại đa số cộng đồng.

Sửa đổi Luật Đất đai lần này có ý nghĩa quan trọng, trong đó bài toán công bằng và hài hòa lợi ích trong thu hồi đất phải tìm được lời giải. 

Cẩm Phô