Nên xem lại chính sách tự chủ dịch vụ công
NGUYỄN QUANG ĐỒNG Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: Không một nước nào trên thế giới có mô hình bệnh viện công có liên doanh, liên kết với đơn vị tư nhân trong các cơ sở y tế công lập. Đối với các nước, công là công, tư là tư, và do đó “đặc thù” như Việt Nam có lẽ là duy nhất. Từ thực tế Phó Thủ tướng chỉ ra, đã đến lúc nhìn nhận và xem xét lại toàn diện chính sách “xã hội hóa” (liên kết công - tư) trong bệnh viện công và căn bản hơn nữa là nội hàm và mô hình tự chủ của các đơn vị cung cấp dịch vụ công thiết yếu.
Những sai phạm của một loạt lãnh đạo các bệnh viện công và làm suy yếu ngành y tế đã được đề cập tại diễn đàn Quốc hội. Nhiều lãnh đạo các cơ sở y tế công lập đã bị truy tố, trong đó có những bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai, Viện Tim Hà Nội. Những người trong ngành y lẫn các chuyên gia hiểu biết về ngành khi nhìn nhận một cách thẳng thắn đều thống nhất nhận định: ở hầu hết các cơ sở y tế, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan điều tra tiến hành thanh tra, kiểm tra nghiêm túc, sẽ rất ít lãnh đạo không dính đến sai phạm. Thực tế đau lòng của ngành y: những bác sĩ giỏi nhất nắm vị trí lãnh đạo vướng vào vòng lao lý, ngành y mất nhân lực giỏi; còn người bệnh - thiệt hại vật chất, tinh thần và thậm chí cả tính mạng đương nhiên rơi vào nhóm “yếu thế” này.
Quy định và quy trình đương nhiên là nguyên nhân trực tiếp được chỉ ra. Nhưng cần nhìn nhận sâu hơn, khi sai phạm trở thành vấn đề mang tính hệ thống, thì nguyên nhân còn sâu xa hơn quy trình, quy định. Bởi quy định, quy trình mà tạo ra “động cơ” làm trái, làm sai để trục lợi cá nhân, thì rõ ràng đó không còn là một quy định tốt.
Theo đánh giá của người viết, việc tổ chức hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập theo cách “công” không thuần túy là “công” (mà liên kết với “tư” trong việc mua thiết bị, máy móc và cung cấp dịch vụ); “công” nhưng lại phải tự chủ và vận hành - mà gọi cho đúng bản chất là “kinh doanh” như một doanh nghiệp để bảo đảm “tự chủ” - chính là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến vấn đề này.
Khi yêu cầu tự chủ, áp lực tăng nguồn thu, tiết kiệm chi phí sẽ khiến lãnh đạo bệnh viện phải tính đến các giải pháp kinh doanh đặt yếu tố chi phí lên trên yếu tố phục vụ lợi ích người bệnh. Không ít bệnh viện dành ra các khu vực khám dịch vụ để tăng doanh thu; và vô tình tạo ra một bức tranh bất bình đẳng không thể chấp nhận được ở ngay một đơn vị công lập. Khi trên cùng một hành lang bệnh viện: có những phòng 3 người bệnh được xếp nằm trên 2 giường, chen chúc trong nóng bức và chật chội và có phòng dịch vụ chỉ cho một bệnh nhân với đầy đủ điều hòa, tivi, tủ lạnh.
Và cũng ngay trong cơ sở y tế đó, liên kết với tư nhân để đưa máy móc và dịch vụ “xét nghiệm theo yêu cầu” vào thì bác sĩ rất khó tránh được áp lực chỉ định xét nghiệm nhiều hơn mức cần thiết. Yếu kém về y đức của cá nhân y bác sĩ được viện dẫn như là nguyên nhân chính. Nhưng cần nhìn nhận thẳng thắn, với một hệ thống mà cơ chế khuyến khích lợi ích (xét nghiệm quá mức thì có nhiều tiền), lẫn áp lực tăng nguồn thu (nhiều tiền hơn thì dễ dàng hơn cho vận hành tự chủ) thì y đức khó có thể trụ được trước cám dỗ, lẫn áp lực của tiền bạc.
Phân tích sơ bộ như vậy để thấy, những hiện tượng đáng lo ngại mà các đại biểu Quốc hội chỉ ra trong phiên thảo luận vừa qua: bệnh viện sợ trách nhiệm đến mức không dám đấu thầu, không dám mua thuốc, mua vật tư y tế - chỉ là “triệu chứng” thể hiện ra bên ngoài của “cơn bạo bệnh” ngành y. Nguyên nhân nằm ở tầng sâu hơn: đó là chính sách, cụ thể là quan niệm về dịch vụ công y tế và vai trò, mô hình vận hành thiết chế y tế công lập. Nếu không thay đổi để đưa Việt Nam về chuẩn mực bình thường thế giới: công là công, tư là tư thì những “căn bệnh” trên khó có thể “chữa lành”.