Nâng chất lượng dịch vụ công trực tuyến

- Thứ Hai, 03/10/2022, 04:05 - Chia sẻ

Từ đầu năm đến nay, cả nước chỉ có 26 giấy phép lái xe được đổi qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân không mặn mà với việc ngồi nhà làm thủ tục đổi giấy phép bởi quy trình khá phức tạp, dữ liệu chưa được kết nối và họ vẫn phải ra xã, phường xin chứng thực. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy, nâng cấp chất lượng dịch vụ công trực tuyến là việc cấp thiết trong thời gian tới để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã triển khai quyết liệt dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ngày càng nhiều. Mặc dù vậy, sự bất tiện, khó dùng; tình trạng “nửa hiện đại, nửa thủ công” khi vẫn cần giấy tờ; nhiều khi chậm hoặc ít phản hồi… của dịch vụ công trực tuyến khiến người dân không mấy mặn mà.

Tỷ lệ người dân đổi giấy phép lái xe qua dịch vụ công trực tuyến là một ví dụ thời sự. Tại 12 tỉnh, thành phố thí điểm đổi bằng lái xe cấp độ 4, số lượng giấy phép lái xe cấp đổi trực tuyến thành công rất thấp. Cụ thể, 8 địa phương có tổng cộng 130 giấy phép đăng ký thành công; 4 tỉnh không có trường hợp nào đổi thành công. Từ đầu năm đến nay, cả nước chỉ có 26 giấy phép lái xe được đổi qua Cổng dịch vụ công quốc gia. So với khoảng 2 triệu bằng lái xe được cấp, đổi mỗi năm, kết quả này vô cùng khiêm tốn.

Người dân không chọn làm thủ tục trực tuyến bởi phải trải qua nhiều bước như: truy cập cổng dịch vụ công, đăng ký, nhận mã xác thực qua điện thoại di động; tra cứu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ; tra cứu dữ liệu sức khỏe; thanh toán trực tuyến… Nhiều người “bị loại ngay từ vòng gửi xe”, họ không thể đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia do số chứng minh thư hoặc số căn cước công dân khi đăng ký tài khoản dịch vụ công không trùng với số đã đăng ký sử dụng điện thoại di động, khi đi khám sức khỏe, khi cấp giấy phép lái xe.

Hơn nữa, việc tra cứu dữ liệu sức khỏe và dữ liệu xử lý vi phạm giao thông cũng rất khó khăn do chưa kết nối được với cơ sở dữ liệu của ngành y tế và cảnh sát giao thông. Để có giấy khám sức khỏe điện tử, người dân sau khi đi khám sức khỏe tại cơ sở y tế phải đến UBND cấp xã chứng thực điện tử, được trả kết quả trong 5 ngày và mất thêm phí chứng thực.

Đó là chưa kể, khi sử dụng dịch vụ, công dân phải thanh toán trực tiếp lệ phí đổi giấy phép lái xe vào kho bạc, trong trường hợp đăng ký không thành công (do hồ sơ chưa hợp lệ) việc hoàn trả lại tiền sẽ mất rất nhiều thời gian…

Với doanh nghiệp, một cuộc khảo sát về thực trạng thực hiện thủ tục hành chính trong bối cảnh dịch Covid-19 do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thực hiện, cũng cho thấy dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự thuận tiện, chất lượng dịch vụ đang “có vấn đề”.

Cụ thể, trong số gần 900 doanh nghiệp tham gia cung cấp thông tin thì có 30% doanh nghiệp cho biết, việc nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính trên mạng thường không có phản hồi, 17% doanh nghiệp bị từ chối không rõ lý do. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thực hiện trên nhiều trang khác nhau mới hoàn thành thủ tục (11%), hoặc không thanh toán trực tuyến được hoặc văn bản số không được chấp nhận (7%).

Tại hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%.

Để đạt mục tiêu này, một mặt phải giúp người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi thực hiện các dịch vụ hành chính công từ trực tiếp sang trực tuyến. Mặt khác - chắc chắn quan trọng hơn - đó là phải cải thiện chất lượng quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng đơn giản, dễ làm, dễ thao tác và có phản hồi đầy đủ. Như vậy mới thu hút được người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Hà Lan