Hai việc quan trọng khi sửa Luật Đất đai

- Thứ Hai, 15/08/2022, 05:32 - Chia sẻ

Với phạm vi tác động rất rộng, liên quan đến nhiều ngành và lĩnh vực, nhiều nội dung khó, phức tạp và nhạy cảm, ảnh hưởng đến cả Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, tiến trình sửa đổi Luật Đất đai phải bảo đảm làm tốt hai việc: đánh giá tác động chính sách và lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo. Đây là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra trong cuộc làm việc mới đây với Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp. Theo đó, Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tư vào tháng 10 tới đây; cho ý kiến lần hai tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5.2023) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10.2023). Chỉ riêng điều này đã cho thấy tầm quan trọng cũng như độ khó và phức tạp của dự án Luật này.

Nói như một số chuyên gia kinh tế, Luật Đất đai là luật cơ bản nhất cho phát triển, bởi đất đai là nguồn lực, là nội lực quan trọng nhất của nước ta. Trung ương Đảng, trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, cũng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đồng thời, dự luật Luật Đất đai (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rất rộng, tác động đến mọi lĩnh vực và ảnh hưởng đến cả Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Thiết kế các chính sách trong dự luật này nhằm bảo đảm tính thông suốt, công khai, minh bạch trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai và phát huy hiệu quả cao nhất nguồn lực này là việc rất khó và phức tạp.

Chính sách tài chính về đất đai và giá đất là một ví dụ. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương bỏ khung giá đất nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Vậy nhưng, cơ chế, phương pháp xác định giá đất, xây dựng bảng giá đất cho chính xác, công khai, minh bạch; cơ chế bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất; quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong xây dựng bảng giá đất… được thiết kế như thế nào? Đây đều là những vấn đề hết sức phức tạp.

Hoặc, quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải được xây dựng chi tiết ra sao để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp đồng thời tránh xảy ra khiếu kiện và tham nhũng, trục lợi - như đã diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua?

Một ví dụ khác, quy định không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cũng phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào tránh được nguy cơ người nông dân sẽ không có đất để sản xuất, gây hệ quả lâu dài cho xã hội?

Vài ví dụ nêu trên cho thấy việc đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải được thực hiện kỹ lưỡng và toàn diện các khía cạnh (kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, tác động trong và ngoài nước…). Với những vấn đề lớn và vấn đề còn ý kiến khác nhau, việc đánh giá tác động chính sách càng quan trọng, để từ đó đưa ra các phương án với ưu điểm, nhược điểm rõ ràng làm cơ sở để lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Đồng thời, việc lấy ý kiến đóng góp dự án Luật cần được triển khai với tinh thần cầu thị, thực chất. Các chính sách cần lấy ý kiến nên được tóm tắt, phân tích các điểm thay đổi, các điểm có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân. Về quy trình, cần đăng tải công khai đầy đủ không chỉ dự thảo Luật mà còn cả các tài liệu có liên quan như đánh giá tác động chính sách, các góp ý khác nhau của doanh nghiệp, việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo, các thảo luận và những vấn đề lớn.

Làm được như vậy, tiến trình đánh giá tác động và tham vấn ý kiến các nhóm người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, mới thực chất và hiệu quả hơn, qua đó góp phần bảo đảm chất lượng của dự án Luật đặc biệt quan trọng này.

Hà Lan