Giải pháp thực chất cho lạm phát
Giá cả hàng hóa tăng chóng mặt, áp lực lạm phát ngày càng lớn và các giải pháp kiểm soát chắc chắn là một trong những vấn đề các đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trong phiên chất vấn. Điều cử tri trông đợi là Bộ trưởng và Thống đốc sẽ đưa ra những giải pháp thực chất hơn thay vì “đẩy mạnh”, “tăng cường” đã quá quen thuộc lâu nay.
Kỳ vọng của đại biểu và người dân vào Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát là điều dễ hiểu. Thứ nhất, nhiệm vụ của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai, ảnh hưởng của cơn bão giá rất rộng, bao phủ cả nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là công nhân, lao động tự do, người nghèo.
Báo cáo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện tháng 3.2022 cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Với mức này, họ không thể trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình. Vì vậy, tuyệt đại đa số công nhân đều phải làm thêm giờ để có tiền bù đắp chi tiêu trong tháng. Sau 2 năm chống chịu với dịch bệnh, giờ thêm giá cả các mặt hàng đều tăng chóng mặt, gánh nặng cơm áo gạo tiền càng đè nặng lên vai người lao động. Không chỉ những bữa cơm bớt thịt cá, mà cả bữa sáng cũng bị cắt bỏ nhiều hơn.
Cuộc đua giá cả hàng hóa chưa có dấu hiệu dừng lại! Các chuyên gia dự báo xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu cùng với xung đột Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước khiến lạm phát năm nay vượt mức 4%. Đặc biệt, do lạm phát các nước trên thế giới tăng cao và với độ mở lớn của nền kinh tế, Việt Nam khó tránh khỏi rủi ro "nhập khẩu" lạm phát.
Một mặt, cần nhận thức rằng, thị trường có quy luật vận động của nó và các giải pháp chính sách của mọi chính phủ đóng góp vào kiềm chế lạm phát trong một mức độ nhất định. Trong phiên chất vấn chiều qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã đề cập đến thực tế này. Ông nói rằng, sống trong nền kinh tế thị trường, chúng ta không dễ áp đặt mệnh lệnh hành chính. Biết được thực tế này, doanh nghiệp và người dân phải chủ động tìm giải pháp của riêng mình ứng phó với cơn bão giá thay vì trông đợi quá nhiều ở Chính phủ.
Nhưng việc thừa nhận những khó khăn khách quan đó không đồng nghĩa với loại trừ trách nhiệm của Chính phủ. Cần đánh giá hiệu quả, đặc biệt là các nỗ lực điều phối chính sách của các bộ, ngành trong khuôn khổ của Chính phủ trong tổng thể nỗ lực ứng phó với lạm phát. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính vào cuộc đồng bộ hay chưa trong phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ. Hoặc khi hai bộ này đã có phối hợp; nhưng các dịch vụ công khác, ví dụ học phí, sách giáo khoa; hoặc viện phí và các phí dịch vụ cơ bản khác vẫn tiếp tục tăng như đề xuất trong giai đoạn qua, thì có thể khiến hiệu quả của chính sách tài khóa, tiền tệ giảm hiệu lực.
Thực tế đó cũng gợi ý rằng, các đại biểu Quốc hội sẽ mở rộng vấn đề khi chất vấn, giám sát các giải pháp chống lạm phát, không chỉ giới hạn ở vai trò của Bộ Tài chính hay Ngân hàng Nhà nước mà mở rộng sang năng lực và hiệu quả điều phối chính sách tổng thể của Chính phủ. Nhìn xa hơn, năng lực dự báo và đánh giá các vấn đề kinh tế trong nước và toàn cầu cũng phải đặt ra. Những bất ổn hiện nay trên toàn thế giới có thể sẽ kéo dài; và tiến trình hồi phục kinh tế hậu Covid-19 dường như khó khăn hơn các dự báo. Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, đi kèm cùng lạm phát sẽ khiến kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Tầm nhìn và giải pháp cho chính sách tài khóa và tiền tệ, vì vậy, không giới hạn trong năm nay mà cần căn cơ cho nhiều năm sắp tới.