Đừng để đại dương nhựa nhiều hơn cá!

- Thứ Năm, 11/08/2022, 05:32 - Chia sẻ

Vài ngày trước, chuyện nhóm khách mặc bikini nhặt rác ở vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) làm nóng nhiều diễn đàn xã hội. Không bàn đến các quan điểm khác nhau về hành động này, những bao rác thải nhựa mà nhóm du khách gom được một lần nữa cho thấy rác thải nhựa đại dương là mối lo ngại vô cùng lớn. Nếu không cắt giảm dần theo giai đoạn các sản phẩm nhựa dùng một lần thì rất có thể chuyện đại dương nhựa nhiều hơn cá không còn là viễn tưởng.

Tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở nước ta đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa như hiện nay. Báo cáo phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho biết, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam, và ít nhất 10% trong số này đổ ra đại dương mỗi năm.

Cũng theo báo cáo, trong số các loại chất thải thu gom được ở các khu vực ven sông và ven biển thì chất thải nhựa phổ biến nhất, chiếm 94% về số lượng và 71% trọng lượng. Mười loại nhựa phổ biến nhất chiếm hơn 80% tổng lượng rác thải nhựa rò rỉ ra sông và biển. Hầu hết trong số này là nhựa dùng một lần, có giá trị thấp như túi nilon, hộp đựng thực phẩm và ống hút.

Các tài liệu mà nhóm nghiên cứu tìm được đã chỉ ra các mối đe dọa sức khỏe liên quan từ rác thải nhựa đại dương. Đó là sợi vi nhựa được tìm thấy ở 12 trong số 24 loài cá thương mại ở Vịnh Bắc Bộ và ô nhiễm nhựa nghiêm trọng ở các rạn san hô và rừng ngập mặn ven biển của Việt Nam. Năm 2010, ước tính có 41 triệu mảnh nhựa bị mắc trong các rạn san hô của Việt Nam và con số này sẽ tăng lên 177 triệu mảnh nhựa vào năm 2025. Những mối đe dọa này gây ra bệnh dịch cho san hô và giảm độ che phủ rừng ngập mặn, do đó gây ra lũ lụt lớn hơn ở các cộng đồng ven biển, cũng như các bệnh lây truyền qua đường nước. Cụ thể, ô nhiễm nhựa là một vấn đề đối với các gia đình phụ thuộc vào nghề cá và du lịch.

Việt Nam từ lâu đã cam kết giải quyết các thách thức về ô nhiễm chất thải nhựa. Tháng 10.2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặt ra mục tiêu về “ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường biển” và “trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”. Tháng 12.2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm nay đã đưa ra các chính sách “người xả rác trả tiền” yêu cầu phân loại chất thải và tạo cơ sở pháp lý cho các chương trình về trách nhiệm mở rộng của người sản xuất. 

Từ những khung khổ này, cần có cách tiếp cận theo từng giai đoạn để giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa: bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng và thu phí, rồi cuối cùng là cấm sử dụng. Theo đó, trước tiên cần hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong cửa hàng ăn uống và các cơ sở lưu trú. Tiếp đến là đề xuất thu phí đối với túi nhựa không phân hủy sinh học và cốc cà phê mang đi. Lộ trình hướng tới mục tiêu áp đặt lệnh cấm lưu thông các sản phẩm ống hút nhựa, túi nhựa khó phân hủy sinh học và hộp đựng thực phẩm. Kèm với đó khuyến khích các sản phẩm thay thế và cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy lợi ích mang lại của việc loại bỏ dần nhựa dùng một lần sẽ lớn hơn chi phí bỏ ra. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi hiệu quả đòi hỏi một cách tiếp cận theo từng giai đoạn để bù đắp thiệt hại cho người sản xuất đồng thời cần chuẩn bị các cơ chế khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp thay đổi hành vi.

Cẩm Phô