Dữ liệu cá nhân và "niềm tin số”

- Thứ Ba, 09/08/2022, 05:29 - Chia sẻ

Báo cáo của Bộ Công an về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây cho thấy bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân là vấn đề cấp bách hiện nay. Bảo vệ được an toàn dữ liệu cá nhân trong khu vực doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước là trụ cột quan trọng cho chuyển đổi số toàn diện ở nước ta.

Cụ thể, Bộ Công an cho biết, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số nước ta đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau.

Tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng trong khi người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai. Một số vụ việc điển hình như Công ty VNG để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng; Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán, thẻ tín dụng của khách. Hoặc tin tặc đã tấn công vào hệ thống máy chủ của Việt Nam Airline, đăng tải lên internet 411.000 tài khoản khách hàng thành viên của chương trình Bông Sen Vàng; tình trạng để lộ thông tin khách hàng để các công ty môi giới dịch vụ taxi sử dụng mời khách hàng; dữ liệu khách hàng của Công ty FPT bị đăng tải công khai trên mạng…

Cùng với đó, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra phổ biến, công khai với cả dữ liệu “thô” (danh sách cán bộ, danh bạ nội bộ của các bộ, tập đoàn kinh tế; khách hàng điện lực; thông tin chủ thuê bao điện thoại, internet của các nhà mạng; thông tin khách hàng vay, gửi tiết kiệm ngân hàng; chứng khoán; bảo hiểm; hồ sơ đăng ký kinh doanh; trường học; thông tin hộ khẩu; thông tin khách hàng thuộc các lĩnh vực bất động sản, siêu thị, mua ô tô, xe máy…) và dữ liệu đã qua xử lý (thông tin chi tiết về các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp như: họ tên, ngày sinh, số chứng minh Nhân dân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng - bao gồm cả số dư, thân nhân, chức vụ, vị trí công tác…). Nhiều hành vi mua bán dữ liệu chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật.

Theo Bộ Công an, có những doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác.

Cũng có doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán. Nhiều dữ liệu bị rao bán công khai, trong thời gian dài, với số lượng lớn trên không gian mạng thông qua các website, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn tin tặc.

Đáng chú ý, xuất hiện một số công ty được thành lập mới, đầu tư xây dựng, vận hành các hệ thống kỹ thuật chuyên thu thập trái phép dữ liệu cá nhân để kinh doanh thu lợi nhuận; xây dựng các phần mềm chuyên thu thập thông tin cá nhân.

Chỉ trong 2 năm 2019 - 2020, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.

Để bảo vệ được dữ liệu cá nhân cần hành động một cách tổng thể, bao gồm hoàn thiện khung pháp lý; tăng cường điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm; lẫn nâng cao năng lực thực hành bảo vệ dữ liệu, tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân lẫn cơ quan nhà nước.

Cụ thể, dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cần sớm được hoàn thiện theo hướng làm rõ quyền về dữ liệu của người dân, nghĩa vụ của chủ thể thu thập, xử lý dữ liệu; đồng thời không đặt ra những quy định, giấy phép không cần thiết làm tăng gánh nặng tuân thủ của doanh nghiệp. Song song với đó, Bộ Công an cần tăng cường điều tra, xử phạt các vụ việc mua bán dữ liệu - vốn vẫn diễn ra công khai trong nhiều hội nhóm trên mạng xã hội.

Làm được như vậy sẽ giúp bảo vệ được niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào sự an toàn, riêng tư trên môi trường số; qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số và xây dựng Chính phủ số, xã hội số ở nước ta.

Hà Lan