Đẩy lùi tâm lý sợ trách nhiệm

- Thứ Tư, 24/08/2022, 05:32 - Chia sẻ

Trong đội ngũ cán bộ công chức, có cả bộ phận đội ngũ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở vừa qua đã xuất hiện tâm lý sợ trách nhiệm, sợ vi phạm, đùn đẩy, không làm hết trách nhiệm, vướng là đẩy lên trên. Đây là nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Thanh Hóa diễn ra sáng qua, 23.8.

Tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, cứ vướng, cứ khó là đẩy lên trên không còn là chuyện cá biệt. Chúng ta chia sẻ với nhận định của ông Tuấn bởi thực tế cho thấy, dù không nhiều nhưng tâm lý sợ tránh nhiệm vẫn xảy ra ở một bộ phận cán bộ cố tình ngồi im để bảo toàn sinh mạng chính trị cho chính mình, bởi tâm lý “làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, không làm thì không sai”.    

Trên diễn đàn Quốc hội Khóa XV, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc triển khai các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chậm, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng chỉ rõ một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sợ trách nhiệm. Bộ  trưởng nêu dẫn chứng, việc hỗ trợ cho F0, trẻ em tiền ăn là 80.000 đồng, mà có địa phương kiến nghị gửi Bộ trưởng tới 3 trang giấy, toàn nêu vướng mắc. Chỉ đến khi Bộ trưởng khẳng định, “nếu F0 và trẻ em ăn mà không ai thanh toán, tôi chịu trách nhiệm; khi ấy địa phương mới cho thanh toán”. Tâm lý một số địa phương sợ sai, sợ trách nhiệm, việc này là có - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn.

Được ví như “căn bệnh”, sợ trách nhiệm đang âm thầm lây lan trong một bộ phận đội ngũ cán bộ. Tình trạng thời gian qua, một số địa phương có tâm lý “ngại” mua sắm thiết bị máy móc, vật tư y tế do sợ bị xử lý kỷ luật, sợ bị xử lý hành chính, hình sự là một trong những ví dụ của căn bệnh này. Nếu không kịp thời ngăn chặn, thì sẽ dẫn đến tình trạng cán bộ thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh và có lúc sẽ trở nên vô cảm với nhân dân. Hậu quả sâu xa là kéo lùi sự phát triển của xã hội.

Thời gian qua, trong lúc có những cán bộ, những địa phương lo sợ trách nhiệm thì vẫn có nơi cán bộ đã dám làm, dám chịu bởi cách làm sáng tạo và có tính “xé rào” của mình. Câu chuyện chống dịch của quận 6 thành phố Hồ Chí Minh ở lúc cao điểm đã chủ động cho phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà. Việc “xé rào” này đã giúp giảm được các ca tử vong, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trên địa bàn. Hay để ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm sản xuất, một số địa phương đã thực hiện với phương châm “ba tại chỗ”, “một cung đường 2 điểm đến” và đã mang lại kết quả khả quan trong phòng chống dịch. Điều này chỉ có được khi người đứng đầu sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm bởi trong tình thế cấp bách hành động không thể không cấp bách - dù rằng đó là quyết định khó khăn bởi chưa từng có tiền lệ.

Để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận nêu rõ, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Vẫn biết rằng, không phải sự đổi mới nào cũng mang lại “quả ngọt” ngay từ đầu như mong muốn. Nhưng nếu cán bộ, người đứng đầu chỉ chăm chăm lo cho sự an toàn của mình, không mạnh dạn, không dám làm sẽ khó được những đổi mới.  

Ngoài Kết luận số 14 quy định để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, thì Quy định 41-QĐ/TW của Ban Bí thư về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ cũng quy định rất rõ, một trong những căn cứ để xem xét miễn nhiệm đối với cán bộ là có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; trong những căn cứ để xem xét từ chức đối với cán bộ khi có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Như vậy, với những cán bộ không đáp ứng tín nhiệm thì có thể bị xem xét miễn nhiệm, từ chức. Đây là cơ sở để cán bộ cần phải nỗ lực hết mình, phải dám làm, dám dấn thân đổi mới, có như vậy mới hoàn thành tốt nhiệm vụ, mới “ghi điểm” cao trong mỗi kỳ lấy phiếu. Bởi lá phiếu tín nhiệm chính là kết quả sát hạch khách quan hiệu quả công tác của người đứng đầu.

Để sớm triển khai kết luận, chủ trương của Đảng, cần rà soát, ban hành, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, tạo hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ, công chức yên tâm thực thi nhiệm vụ. Cùng với đó, có cơ chế khen thưởng đối với người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới. Có như vậy, khi đổi mới, dấn thân, cán bộ mới xóa bỏ được tâm lý  - "căn bệnh" sợ trách nhiệm.

Lê Hùng