Có tiền thì phải tiêu được!

- Thứ Ba, 14/02/2023, 10:01 - Chia sẻ

Phát biểu tại Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đợt 2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, các dự án của chương trình phục hồi kinh tế triển khai rất chậm.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là bởi đề xuất của các bộ, ngành địa phương không sát thực tiễn, lúc đầu đề xuất nhưng sau lại thay đổi, phải làm đi làm lại, trong đó lĩnh vực y tế và giáo dục thay đổi nhiều lần nhất. Có những dự án thuộc lĩnh vực y tế thay đổi gần như toàn bộ hoặc chưa giao, thậm chí không thể giao được.

Rằng Chính phủ có 17 nghị quyết, công điện; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 23 văn bản nhắc nhở các bộ này nhưng vẫn không thể triển khai do có tâm lý e ngại khi thực hiện các dự án và do phải thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chí của Nghị quyết 43 về chọn dự án, trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư công... - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

Tại Kỳ họp bất thường vào tháng 1.2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng. Theo đó, số dự án thuộc chương trình phục hồi được sử dụng vốn đầu tư phát triển, tăng chi từ nguồn ngân sách tối đa 176.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, theo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, số vốn còn lại của chương trình chưa đủ thủ tục đầu tư là gần 14.152 tỷ đồng. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục theo quy định của Nghị quyết 43, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31.3. Sau thời hạn trên, số vốn còn lại của chương trình sẽ không phân bổ tiếp...

Cần nhắc lại rằng, hồi tháng 10.2022, Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết 43/2022. Theo đó, Thủ tướng đã giao 147.138 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương của chương trình phục hồi kinh tế cho 94 nhiệm vụ, dự án. Với các dự án còn lại, Thủ tướng giao các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn để báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét việc giao kế hoạch vốn tiếp theo... Đánh giá chung thì dù các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm nhưng cũng chỉ giải ngân được 61.000 tỷ đồng, tương đương 20,2% tổng nguồn lực - chưa đạt kỳ vọng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gói phục hồi kinh tế giải ngân chậm, trong đó cốt lõi vẫn là những nguyên nhân chủ quan như đây là nội dung mới, chưa có tiền lệ nên việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai còn chậm. Các cấp, các ngành ở một số nơi chưa nhận thức đủ về tầm quan trọng của gói phục hồi nên chưa tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt còn có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong thực hiện.

Đến thời điểm này, số vốn cần giải ngân trong năm 2023 là rất lớn. Cho nên, ngoài việc phải thận trọng, kỹ càng, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nỗ lực hơn nữa, tránh tình trạng có tiền nhưng không tiêu được, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.

Khương Ninh
#