Chậm ngày nào, dân thiệt ngày đó!

- Chủ Nhật, 07/08/2022, 05:12 - Chia sẻ

Các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn rất chậm. Và còn chậm ngày nào, người dân ở các vùng vốn đã khó khăn, lại thêm thiệt ngày đó.

Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành đã ban hành gần 80 văn bản pháp lý và giao kế hoạch nguồn ngân sách Trung ương năm 2022, làm cơ sở để các cơ quan, địa phương phân bổ, giao kế hoạch vốn và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ triển khai chậm không chỉ trên thực tế mà còn chậm ở khâu ban hành văn bản hướng dẫn. Đến nay vẫn còn 2 thông tư, 17 văn bản hướng dẫn của các bộ, cơ quan Trung ương chưa được ban hành. Gần 20 địa phương chưa được HĐND cấp tỉnh thông qua nghị quyết và thực hiện phân bổ vốn ngân sách Trung ương. Một số địa phương chưa kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Trong khi đó, kế hoạch vốn phải giải ngân của 3 chương trình rất lớn. Riêng vốn ngân sách Trung ương năm 2022 đã là hơn 34 nghìn tỷ đồng. Với tiến độ hiện tại, khả năng giải ngân số vốn của năm nay hết sức khó khăn.

Giải trình trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, do khối lượng công việc của 3 chương trình nhiều, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng nên phải rà soát kỹ để tránh những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra.

Tuy vậy, triển khai chậm ngày nào, người dân sẽ thiệt thòi ngày đó vì chưa được thụ hưởng chương trình. Day dứt càng lớn hơn khi đây là những nông dân yếu thế - họ là hộ nghèo, hoặc đang sống ở khu vực miền núi, hải đảo, bãi ngang, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid-19. Họ cần sự hỗ trợ và Nhà nước đã dành dụm nguồn lực. Nếu sự hỗ trợ đó không đến với họ đúng lúc, kịp thời thì không chỉ hiệu quả, ý nghĩa của các chương trình mục tiêu quốc gia mà cả niềm tin của họ chắc chắn đều sẽ giảm sút.

Bên cạnh đó, sự chậm trễ này cũng gây ra nỗi lo các bộ, ngành, địa phương không giải ngân hết vốn khi các chương trình kết thúc. Việc giải ngân cấp tốc, dồn toa trong giai đoạn cuối cũng tiềm ẩn nguy cơ kém hiệu quả, kém chất lượng, thậm chí là lãng phí, thất thoát ngân sách.

Sốt ruột trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành và “deadline” (hạn chót) phải hoàn thành - cơ bản là trước ngày 15.8.2022.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được giao thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của năm 2022. Phấn đấu hoàn thành 100% tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 bảo đảm hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Nếu để chậm tiến độ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng.

Ở thời điểm này, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia là một mệnh lệnh. Cá nhân nào không tuân thủ hoặc thực thi kém, người đó phải chịu cả trách nhiệm công vụ và trách nhiệm chính trị. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, trong phạm vi chức năng, quyền hạn chắc chắn sẽ sát sao trong giám sát và có báo cáo kịp thời cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về các vấn đề này.

Hà Lan