Buồn, vui với thành tích xuất khẩu

- Thứ Năm, 28/07/2022, 05:27 - Chia sẻ

Xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm nay hồi phục rõ nét, các nhóm hàng chủ lực đều duy trì đà tăng trưởng cao, quy mô xuất khẩu cũng tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui lại là nỗi buồn vì hưởng lợi từ thành tích xuất khẩu của nước ta lại là nước khác.  

Số liệu thống kê cho thấy, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tháng 6 ước khoảng 32,2 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 185,4 tỷ USD; tổng giá trị nhập khẩu tháng 6 khoảng 33,2 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2022 là 186 tỷ USD. Tính chung nửa đầu năm nay, cả nước nhập siêu hàng hóa khoảng 566 triệu USD.

Nhập siêu của Việt Nam nhiều nhất là với Trung Quốc (khoảng 35 tỷ USD), tiếp đến là Hàn Quốc (21 tỷ USD), Australia (1,8 tỷ USD) và Nhật Bản (63 triệu USD).

Những nước Việt Nam xuất siêu cao nhất vẫn là Mỹ (hơn 48 tỷ USD), EU (gần 16 tỷ USD), Anh (2,5 tỷ USD), Canada (2,9 tỷ USD).

Đáng chú ý là trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 7%, còn nhập khẩu từ Trung Quốc tăng tới hơn 15%. Trong khi đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 22,5% và EU tăng 5,1% và nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ và EU đều giảm (tương ứng giảm 1,4% và 1,9%). Cần lưu ý rằng, hơn 90% nhập khẩu từ Trung Quốc là nhập khẩu cho sản xuất (chi phí trung gian và tích lũy tài sản), chỉ gần 10% là nhập khẩu cho tiêu dùng cuối cùng của dân cư.

Tính toán từ mô hình cân đối liên ngành liên quốc gia rút gọn giữa Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ và EU cho thấy: 100 USD xuất khẩu của Việt Nam lan tỏa đến giá trị sản xuất của Việt Nam 74 USD, đến giá trị tăng thêm của Việt Nam khoảng 72 USD; lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của Trung Quốc tương ứng là 23 USD và 25 USD. Trong khi đó, chỉ lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của Mỹ tương ứng 1 và 2 USD; đến EU tương ứng là 0,7 và 1,1 USD.

Như vậy có thể thấy khi Việt Nam xuất siêu sang Mỹ và EU thì Trung Quốc cũng được hưởng lợi rất lớn. Điều này là do xuất khẩu của Việt Nam cơ bản là sản phẩm của công nghiệp chế biến chế tạo (khoảng 60% cho chi phí trung gian và khoảng 30% chi tích lũy tài sản), mà công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam cơ bản là gia công, nguyên vật liệu đầu vào cơ bản từ Trung Quốc.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam cơ bản vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (15%), điện thoại các loại và linh kiện (15%); máy móc thiết bị và phụ tùng (11%); dệt may, giày da (16%). Giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản xuất khẩu chiếm trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ khoảng 9% (xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp khoảng 6%, sản phẩm thủy sản khoảng 3%).

Một trong những kết quả sơ bộ cho thấy Việt Nam xuất khẩu những sản phẩm gia công và sản phẩm cơ bản cho tiêu dùng cuối cùng không lan tỏa nhiều đến sản xuất và giá trị tăng thêm của Việt Nam, mà lan tỏa đến sản xuất và giá trị gia tăng của những nước mà Việt Nam nhập nguyên liệu làm đầu vào cho những sản phẩm gia công này. Như vậy, để xuất khẩu của Việt Nam có ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam, cần thực sự thay đổi cấu trúc ngành, đặc biệt là sản xuất các sản phẩm phụ trợ bởi nền kinh tế trong nước.

TS. Bùi Trinh