“Ai chịu trách nhiệm chuyện này?”

- Thứ Sáu, 13/05/2022, 05:15 - Chia sẻ

Tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét: “Thị trường chứng khoán bây giờ bất thường quá” và “thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển quá nóng”. Từ những vấn đề chỉ ra đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ nguyên nhân ở đâu và “ai chịu trách nhiệm chuyện này”, không thể nói chung chung do quy định pháp lý chưa chặt chẽ và không đổ thừa cho khách quan. Vì sao người đứng đầu Quốc hội đặt vấn đề như vậy?

Châm ngòi cho diễn biến trồi sụt, sớm nắng chiều mưa của thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp đợt vừa qua là một số vụ vi phạm pháp luật của doanh nghiệp. Mức độ sai phạm nghiêm trọng đến mức cơ quan điều tra phải khởi tố vụ việc và tiến hành điều tra. Một số vấn đề được phân tích và chỉ ra gồm: năng lực của nhà đầu tư (không chuyên nghiệp, gian lận để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp) và những vấn đề của doanh nghiệp phát hành (huy động khối lượng lớn, lãi suất cao; sử dụng vốn sai phục đích; vi phạm quy định về công bố thông tin… ); còn trách nhiệm cũng như năng lực của cơ quan chức năng ít được đề cập tới.

Đơn cử, trên thị trường chứng khoán là việc ông Trịnh Văn Quyết “bán chui” cổ phiếu FLC lặp đi lặp lại nhiều lần. Tháng 11.2017, ông này bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo thông tin giao dịch với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Trong giao dịch này, ông Quyết thu về hơn 400 tỷ đồng và bị xử phạt hành chính 65 triệu đồng. Và 5 năm sau, tháng 1.2022, ông Quyết một lần nữa “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC. Nếu cơ quan chức năng xử lý nghiêm và mạnh tay ở lần đầu thì khả năng ông Quyết lần thứ hai bán chui cổ phiếu chắc chắn thấp hơn rất nhiều.

Tương tự, hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, không sử dụng đúng mục đích phát hành của Tân Hoàng Minh diễn ra công khai trong một thời gian suốt từ tháng 7.2021 với quy mô không nhỏ (hơn 10 nghìn tỷ đồng). Thế nhưng mãi sau này, Bộ Tài chính mới chỉ đạo và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành căn cứ vào “đề nghị của cơ quan có thẩm quyền”.

Những vấn đề của nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành, cung cấp dịch vụ (được nhắc tới ở trên) là có thật và luôn luôn có! Như thế mới cần đến vai trò của cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, phân tích nêu trên trong 2 vụ việc cụ thể của FLC và Tân Hoàng Minh cho thấy, hoặc là cơ quan chức năng đã thiếu trách nhiệm, thậm chí có thể đã bao che; hoặc là vì nghiệp vụ yếu, khả năng theo dõi, giám sát thị trường kém nên bị doanh nghiệp “qua mặt”.

Trách nhiệm này cần phải được chỉ rõ và các cơ quan chức năng phải thẳng thắn nhìn nhận và sửa đổi; có như vậy mới khắc phục được gốc rễ vấn đề - là năng lực hạn chế, là bất cập của cơ quan chức năng. Nếu chỉ nhìn thấy nguyên nhân từ phía nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành thì các giải pháp nhằm lành mạnh hóa thị trường sẽ chỉ dừng lại ở “siết chặt quản lý” một cách không thỏa đáng và thậm chí là ngăn cản sự phát triển của thị trường.

Do đó, như Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần phải tiến hành xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân được giao nhiệm vụ thực thi chức trách quản lý nhà nước. Không chỉ xử lý một phía doanh nghiệp vi phạm mà đồng thời cần xử lý cả cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ khi trách nhiệm cá nhân được làm rõ; được xử lý nghiêm minh, khi đó kỷ cương thị trường mới được xác lập đầy đủ. Điều đó sẽ mang lại niềm tin của nhà đầu tư và tạo ra sự phát triển lành mạnh, công bằng, minh bạch của thị trường tài chính trong dài hạn.

HÀ LAN